4

Hôn thư kia, văn lý đầy đủ, thể lệ hoàn chỉnh. Duy nhất một sơ hở — chính là không hề có dấu triện của quan phủ.

“Thiếp mồ côi từ nhỏ, không cha không mẹ. Là cha mẹ chồng thiếp nghe lời thầy số, nói rằng Ký Minh Bắc mệnh khắc, cần có Hồng Loan tinh tương trợ mới mong thi cử thành công, mới thu thiếp về làm đồng dưỡng tức*.”

“Chốn thôn quê không giống châu huyện, chẳng cầu kỳ nghi thức. Chỉ cần bái đường thành thân, nhập tông từ đường, thì đã là phu thê chính thức. Bởi vậy hôn sự kia chưa từng được ghi vào sổ bộ quan phủ.”

Lời Yến nương nói ra, quả là hợp tình hợp lý.

Nhưng chính vì thế, dù mẫu thân ta là chính thê có danh phận ghi trong hộ tịch, được triều đình thừa nhận, thì bà chưa từng gặp qua phụ mẫu của phụ thân, cũng chưa từng được nhập vào gia phả họ Ký.

Đầu đuôi ngọn ngành, kẻ trước người sau, thật giả lẫn lộn — rốt cuộc ai mới là chính thất, ai mới là người sau?

Mẫu thân như đã lờ mờ đoán ra dụng ý của Yến nương.

“Vậy nên ngươi không chịu làm thiếp… là vì muốn…”

Lời chưa dứt, Yến nương sắc mặt trắng bệch, đã vội vàng lên tiếng ngắt lời.

Nàng liên tục dập đầu thật mạnh, rồi mới run rẩy ôm lại đứa trẻ trên bồ đoàn vào lòng.

*(đồng dưỡng : con dâu nuôi từ bé, giống như vợ sắp đặt trước cho con trai từ nhỏ).

“Phu nhân xin đừng nghĩ nhiều, thiếp… thiếp không đến để đòi danh phận, chỉ vì đứa trẻ này mà thôi!

“Nó bệnh nặng đã lâu, thiếp chạy vạy khắp nơi, mời bao nhiêu lang y đều không chữa được. Có người tốt bụng chỉ đường, nói chỉ có châm huyệt thuật của Kim đại phu – người chuyên chữa bệnh cho quan gia – mới có thể cứu mạng.

“Thiếp cầu xin phu nhân giúp đỡ. Chỉ cần nó có thể sống, thiếp lập tức ôm con quay về quê cũ, cả đời này… tuyệt đối sẽ không bước chân đến trước mặt phu nhân nữa!”

Lời vừa dứt, nàng đã nức nở không thành tiếng.

Tấm lưng gầy yếu khom xuống, cúi đầu thật sâu, để trán đứa trẻ còn chưa tỉnh táo kia cùng chạm xuống nền đất đầy bụi.

Là đang nói với trời đất — dù đứa trẻ ấy chẳng còn tri giác, nó cũng sẽ suốt đời không quên ân nghĩa hôm nay.

Mẫu thân siết chặt khăn tay trong tay áo, thân mình bất giác nghiêng về phía trước.

Đang định cất lời, thì Lý mụ mụ nhẹ kéo tay áo bà, khẽ nghiêng người thì thầm bên tai:

“Phu nhân… nữ nhân kia, không giống dạng dễ sai bảo như đám thiếp thất thông thường. Người dưới gối chưa có con, cậu gia xưa nay vẫn kính trọng lão gia mà không nói gì, nhưng nay đã được bệ hạ ban ân, tương lai tiền đồ rộng mở, khó mà đảm bảo Yến nương kia không dùng đứa trẻ làm cớ, khuấy động sóng gió trong phủ.

“Bây giờ, nếu người mềm lòng cứu lấy nó, thì e rằng về sau… chẳng còn ngày nào được yên ổn nữa.”

Khi đang ân ái mặn nồng với phụ thân, mẫu thân cũng từng cẩn thận dạy ta điều này.

Chủ mẫu trong phủ, tuyệt không thể để tình cảm lấn át lý trí, càng không được mù quáng mà quên mất lợi ích hơn thua.

“Vợ chồng ân ái sâu nặng đương nhiên là tốt, nhưng nữ nhân nơi thế gian này vốn đã khó giữ chỗ đứng, nhất định phải chừa lại ba phần tỉnh táo, để còn có đường lui, giữ vững chốn đặt chân.”

Vậy nên, mẫu thân mới để ngoại tổ phụ dốc toàn lực giúp phụ thân mở lối chốn quan trường, dần dần dựng nên tiền đồ.

Nhưng trong phủ, từ người đến tiền, từ việc lớn đến chuyện vụn vặt, bà chưa từng buông tay, cũng chưa từng lơi lỏng.

Chỉ là, so với những điều ấy, thì hài tử — kẻ nối dõi, người nắm giữ danh phận chính thất — mới là chỗ dựa thật sự nơi hậu viện này.

Dẫu ta tuổi còn nhỏ, chẳng hiểu sự đời, cũng đủ nhận ra lời Lý mụ mụ nói với mẫu thân khi nãy, chẳng phải kẻ khua môi múa mép, mà là lời cảnh tỉnh tận tâm can.

Thế nhưng, mẫu thân chỉ lạnh mặt giơ tay ngăn bà lại.

Mặt không đổi sắc, chỉ nhàn nhạt phân phó:

“Không cần nói nữa. Mau cầm danh thiếp của ta, lập tức đến mời Kim đại phu.”

5

Kim đại phu đến rất nhanh, bắt mạch xong liền chau mày, lắc đầu nói đứa bé tình trạng cực kỳ nguy kịch.

“Nếu còn chậm thêm hai ngày, e rằng có thần tiên giáng thế cũng khó cứu nổi.”

Mẫu thân buông một hơi thở dài, đích thân dâng lên chẩn kim, lại nói vài lời khách sáo, rồi tiễn ông ra cửa.

Ngược lại, Lý mụ mụ theo sát phía sau, một đường rảo bước, nhỏ giọng căn dặn tới lui mãi mới chịu quay về.

“Muốn người không biết, trừ phi mình đừng làm. Có thể giấu được một thời, làm sao giấu được cả đời?”

Tán cây lay động theo gió, bóng râm loang loáng in lên đá lát hiên nhà, ánh vào mắt mẫu thân một tầng u lam trầm lặng, vừa lãnh đạm lại như phủ bụi tro tàn.

Bà dời mắt đi, khẽ bật cười một tiếng, nhẹ như gió thoảng.

Rồi lập tức xoay người, phân phó hạ nhân quét dọn gian tiểu viện phía đông – nơi thanh tĩnh nhất trong phủ – để sắp xếp cho mẹ con Yến nương ở lại.

Ta ngẩn người đến há hốc miệng, không tin vào tai mình:

“A nương để họ ở lại trong phủ ư?”

Giữ người ngay trong tầm mắt, bất luận Yến nương có mưu đồ hay không, mỗi lần trông thấy cũng đã khiến người chướng mắt.

Huống hồ… chính miệng nàng ta nói là sẽ rời đi.

Trong phòng, Yến nương đã bất chấp lời ngăn cản của hạ nhân, bế đứa bé xông ra ngoài, suýt nữa hất đổ cả tấm bình phong thêu hình tiên hạc cưỡi mây.

Lúc nàng ngoảnh lại, vừa vặn chạm vào ánh nhìn của mẫu thân.

Nàng lại quỳ xuống, dập đầu tạ ân:

“Vừa rồi Kim đại phu đã đồng ý. Thiếp có thể hằng ngày ôm con đến y quán châm cứu, tuyệt không quấy rầy phủ thêm nữa.”

Nói xong, nàng vội vã đứng lên.

Giống như muốn chứng minh lời mình thề nơi đại đường rằng sẽ lập tức rời đi không phải là nói dối. Nhưng bước chân còn chưa vững, suýt thì ngã nhào xuống cùng đứa nhỏ trong lòng. Gắng gượng đứng dậy, nàng vẫn cố chấp muốn rời đi.

Mẫu thân lúc ấy mắt lóe hàn quang, bỗng chất vấn:

“Ngươi đây là muốn diễn một vở khổ nhục kế? Chờ Ký Minh Bắc hồi phủ rồi, sẽ trước mặt chàng mà tố cáo ta một phen?”

Yến nương như bị dọa sợ.

Sắc mặt tái mét không còn giọt máu, ánh mắt mất đi tiêu cự, mặc cho hạ nhân lôi nàng trở lại, không dám động đậy nửa phần.

Chỉ có đôi tay run rẩy khẽ khàng, vẫn gắt gao ôm chặt đứa trẻ trong lòng, quai hàm nghiến chặt đến phát run.

“Nếu ngươi còn muốn đứa trẻ kia giữ được mạng, thì ngoan ngoãn ở lại đây, đừng vọng tưởng chạy loạn.”

Dứt lời, mẫu thân dắt ta quay người rời đi, không thèm ngoảnh lại lấy một cái.

Trên đường, ta cứ thấp thỏm không yên, sợ rằng mẫu thân đoán đúng — rằng Yến nương muốn nhân cơ hội rời khỏi phủ, gây chuyện lớn không thể che giấu, hoặc là chờ dịp nắm lấy nhược điểm của mẫu thân, khiến cha và mẹ sinh ra hiềm khích.

Mãi đến khi đêm đã khuya, trằn trọc chẳng thể nào chợp mắt, ta rốt cuộc không kìm được mà khẽ hỏi mẫu thân: nếu thật sự là như vậy, thì phải làm sao?

“Yên tâm đi, nàng ta sẽ không.”

Mẫu thân thở ra một hơi thật chậm, phủ nhận hết thảy suy đoán, như thể đích thân đút cho ta một viên định tâm hoàn:

“Buổi sáng hôm ấy, biết bao người đến cửa chúc mừng, ai nấy đều là đồng liêu, cố hữu của ngoại tổ con. Nếu nàng ta thật muốn làm ầm lên, lấy miệng đời để ép ta cúi đầu, thì cứ việc quỳ luôn ngoài chính môn là được, cần gì phải đi cửa sau. Nhưng nàng ta không làm vậy.

“Còn ta nói nàng muốn giở trò khổ nhục kế… con quên rồi sao? Phủ này là phủ Thông phán, là nhà của ngoại tổ con, đâu phải là Ký phủ. Nàng ta là người không danh không phận, dù ta có thật sự đuổi nàng đi, cha con dẫu trong lòng có oán, cũng chẳng thể mở miệng trách cứ điều gì cho phải lẽ.”

Nghe đến đây, ta lại càng hồ đồ.

“Vậy sao a nương lại nhất quyết giữ nàng ta ở lại?”

Mẫu thân không trả lời.

Chỉ khẽ nghiêng người, trên chiếc giường nhỏ vốn chẳng rộng rãi gì của ta, lại dịch sát thêm một chút.

Trong bóng tối tĩnh lặng, ta cảm nhận rõ rệt ánh mắt của bà — sáng rực mà đau lòng.

Vậy mà khi bà dịu dàng nâng đầu ta dậy, tay xoa lên mái tóc ta đã rối vì nằm nghiêng quá lâu, bà lại mỉm cười.

“Cũng là làm mẹ, ta cảm nhận được — nàng ấy thật lòng yêu đứa trẻ ấy.”

Bà ôm ta vào lòng, vỗ nhẹ từng cái lên lưng ta như dòng nước chảy êm đềm, nhè nhẹ nói:

“Thuần nhi, là nữ tử, vĩnh viễn đừng tự nhốt mình trong một cái vỏ.”

“Ta là thê tử của cha con, nhưng cũng là mẫu thân của con, là ái nữ của Thông phán đại nhân.”

“Khi đối diện với bất kỳ lựa chọn nào, đừng để chỉ một thân phận quyết định toàn bộ suy nghĩ của con. Con là người — là một con người có tư tưởng, có cảm xúc, có máu thịt.”

6

Yến nương ở lại phủ.

Suốt hai tháng liền, ngày nào mẫu thân cũng dẫn ta đến thăm hỏi.

Thời gian trôi qua, ta mới biết đứa trẻ kia tên là Tiểu Ca.

Tuy hơn ta hai tuổi, nhưng vì bệnh kéo dài, đến khi có thể đứng dậy đi lại, vóc người mới chỉ cao ngang ta mà thôi.

Mỗi lần gặp ta, đều rất lễ phép, miệng không quên một tiếng “Ký tiểu thư”.

Mẫu thân từng dặn ta, rằng chuyện giữa người lớn, dù rối ren đến đâu, cũng không nên kéo lũ nhỏ dính vào.

Thế nhưng… tiếng “ca ca” kia, ta thật sự không sao gọi nổi.

Chỉ ậm ừ lấy lệ, rồi ngoan ngoãn nghe theo lời Lý mụ mụ dặn, âm thầm quan sát nhất cử nhất động của Yến nương.

Chỉ tiếc là, đừng nói gây chuyện ra ngoài, từ lúc vào phủ đến nay, ngoài mấy lời đáp lễ với mẫu thân, nàng gần như không nói một lời dư thừa.

Lúc nào cũng cúi đầu, hai tay chắp sau lưng, yên lặng đứng bên một góc.

Bất luận mẫu thân có nói gì, nàng đều sẽ nhẹ nhàng đáp lại một câu: “Thiếp luôn khắc ghi đại ân của phu nhân.”

Hôm nay là lần cuối Kim đại phu đến châm cứu.

Sau đó, Yến nương một lần nữa đứng ra từ biệt.

Mẫu thân không ngăn lại nữa, chỉ thẳng thắn mở lời:

“Việc đã đến nước này, ta có quá nhiều ràng buộc, ngôi vị chính thất… ta không thể nhường cho ngươi.

“Nhưng những ngày qua, ta thấy ngươi cư xử đúng mực, cũng là người dễ sống chung. Chi bằng ở lại, vẫn tốt hơn cảnh khổ nơi quê nghèo.”

Ngày phụ thân ta được ngoại tổ thu làm con rể, ông từng nói rõ ràng:
Do gia cảnh sa sút, lại gặp thuỷ tai, trong nhà chỉ còn lại một mình.