Nghe tới đây, tôi còn không hiểu sao?

Vu Thường cố ý.

Tôi khiến ông ta không ra khỏi nhà được, thì ông ta khiến tôi không vào nhà nổi.

Qua lớp cửa sắt, tôi nghe tiếng Vu Thường tức giận vang lên bên trong.

“Giờ biết đường quay về rồi à? Ra ngoài cho đã thì cứ ở ngoài luôn đi! Đừng có quay lại nữa!”

Tôi đứng ngoài cửa một lúc lâu.

Không hiểu sao, mọi chuyện trong quá khứ như đèn kéo quân chạy qua trong đầu, rồi dừng lại ở một ký ức xa xưa.

Hồi trẻ, tôi và Vu Thường cũng từng cãi nhau lớn một lần như vậy.

Khi ấy tôi vừa sinh Vu Mậu xong, còn chưa ra tháng, đã phát hiện chồng có tình ý với một góa phụ hàng xóm.

Đó là lần tôi làm căng nhất.

Tôi ôm Vu Mậu, vừa khóc vừa chạy về nhà mẹ đẻ.

Lúc đó tôi thật sự từng nghĩ đến chuyện ly hôn.

Nhưng mới ở nhà mẹ chưa đầy một tuần, đã nghe chị dâu và anh trai phàn nàn:

“Đã không dư dả gì, giờ lại thêm hai miệng ăn, làm gì có chuyện lấy chồng rồi mà còn quay về bòn rút nhà mẹ?”

Mẹ tôi cũng khuyên:

“Đàn ông ai chẳng thế, trăng hoa chút cũng là chuyện thường, chỉ cần vẫn biết quay về nhà là người tốt rồi. Vì con, vì cái, nhịn chút là qua thôi. Con lấy chồng rồi, gái có chồng như bát nước hắt đi, nhà mình cũng chẳng tiện can thiệp nhiều.”

Lúc đó tôi mới nhận ra mình đã trở thành người không còn chốn dung thân.

Cuối cùng chỉ có thể lặng lẽ trở về.

Lần đó Vu Thường cũng cố ý khóa cửa nhốt tôi ngoài hành lang, mãi tới khi Vu Mậu khóc nấc lên mới chịu mở, trên mặt mang theo vẻ “tôi biết ngay mà”.

Cũng giống như bây giờ, giọng điệu châm chọc: “Giờ mới biết quay về à?”

Tối qua con gái tôi hỏi: “Sao mẹ lại đột nhiên muốn ly hôn?”

Lúc đó tôi không biết phải trả lời thế nào.

Nhưng giờ thì tôi đã có câu trả lời rồi.

Chuyện lúc trẻ không dám làm, chẳng lẽ cả đời này cũng không làm được sao?

6.

May là hành lý của tôi đã được gửi sang nhà chị bạn từ sớm.

Ở nhờ một đêm cũng chẳng phải chuyện gì khó.

Sáng sớm hôm sau, chị bạn lái xe đưa tôi ra sân bay.

Trước giờ lên máy bay, Vu Mậu nhắn cho tôi một tin.

【Mẹ, mẹ có thể đừng cứng đầu như vậy được không? Gọi cho bố một cuộc, nhắn một cái tin xin lỗi có gì là khó? Mẹ làm vậy, con với vợ con ở nhà đều khó xử.】

Vu Thường cũng gửi một tin.

【Trang Quế Hương! Bà giỏi lắm rồi đấy! Tôi không cản bà nữa, không thì ly hôn luôn đi cho xong!】

Tôi chỉ nhắn lại một chữ: 【Được】, rồi tắt nguồn điện thoại, thay sang thẻ sim mới mà bạn Oanh Oanh làm giúp.

Chị bạn ngồi bên cười hỏi: “Thật sự ly hôn đấy à?”

Tôi cũng cười.

“Vẫn còn sống được bao nhiêu ngày nữa đâu, đổi cách sống thử xem sao.”

7.

Vu Thường kết hôn hơn ba mươi năm, chưa từng cảm thấy cuộc sống lại chật vật đến thế.

Vừa gửi tin nhắn cho vợ, cố gắng cho bà một cái bậc để bước xuống, lại gọi điện cho con trai.

“Xem mẹ mày ở ngoài được mấy ngày? Rồi cũng phải rúc đầu quay về thôi.”

“Bố, con nghe bố hết mà. Con cũng khuyên mẹ rồi. Không sao đâu, bố cứ chờ vài hôm, rồi để mẹ về lo liệu tiếp.”

Nhưng cuộc gọi còn chưa kết thúc…

Trong phòng khách, ông bố vợ liệt nửa người lại bắt đầu kêu đi vệ sinh, cần thay tã.

Trong phòng ngủ, đứa cháu nội còn chưa biết nói đã đói khóc đỏ cả mặt, đòi bú sữa.

Vu Thường luống cuống hết lo cho người lớn lại lo cho trẻ nhỏ, hấp tấp đến mức làm rơi bình sữa thủy tinh xuống đất, sữa vừa pha đổ hết ra sàn.

Thằng bé khóc đến nghẹn cả hơi, ông quýnh lên đi lấy cây lau nhà, lại trượt chân ngã đập đầu vào chân giường.

Mắt tối sầm.

Tới khi ông hồi thần lại được, thì đứa cháu mặt mũi đã đỏ gay vì khóc quá lâu.

Ông đành gắng gượng xoa xoa cánh tay đau nhức, cà nhắc đứng dậy pha lại sữa.

Đợi đứa nhỏ bú xong, ngủ yên lành rồi, Vu Thường ngồi yên cạnh giường, bất động nhìn ra ngoài cửa sổ.

Không hiểu sao, ông bỗng nhớ về chuyện ba mươi năm trước.

Lúc đó vợ ông, Trang Quế Hương, vừa mới sinh xong Vu Mậu.

Con gái lớn Oanh Oanh mới hai tuổi, mùa đông rét căm, chẳng may ngã vào hố phân, mùi hôi nồng nặc, ông thì chê bai, la mắng vợ dọn dẹp nhanh lên.

Khi ấy nhà chưa có máy nước nóng, muốn tắm cho con phải đun nước. Quế Hương vất vả lắm mới nấu xong một nồi nước, quay lại thì môi con gái đã tím tái vì lạnh.

Đúng lúc đó, thằng bé hai tháng tuổi lại khóc thét đòi bú sữa, chẳng khác gì đứa cháu hôm nay.

Vợ ông cuống cuồng, đứng ngồi không yên.

“Lão Vu, anh pha sữa cho thằng bé đi, trong tủ có bột gạo sữa đó, em thật sự không rảnh tay!”

Khi đó ông đã nói gì?

“Chút chuyện cỏn con cũng đến lượt tôi làm? Bà không biết mệt à?”

“Trời ơi, thối chết đi được, tránh xa tôi ra!”

Sau đó, ông không những không giúp, mà còn viện cớ phải tăng ca, bỏ ra ngoài chơi bài.

Khi về đến nhà, con trai đã ăn no ngủ kỹ, con gái cũng sạch sẽ thơm tho.

Trước giờ Vu Thường chưa từng nghĩ, vợ ông ngày ấy đã xoay xở thế nào để lo liệu cả hai đứa nhỏ cùng lúc.

Chỉ cảm thấy bà làm được thì cứ làm, sao cứ thích kéo ông vào, có phải rảnh rỗi quá không?

Thế nhưng, ngay lúc này đây, ông lại bỗng dưng nhớ đến mẩu chuyện nhỏ xíu năm xưa ấy.

Từ sau lần đó, Quế Hương chưa từng bảo ông trông con thêm lần nào nữa.

Cả đời ông sống ung dung, không lo bếp núc, không bận con cái.