4.

Trần Kiều xuất thân từ gia đình đơn thân, cha cô ấy bị tai biến từ năm ngoái, liệt nửa người, giờ xem chừng tình trạng còn nặng hơn, phải ngồi xe lăn đến.

Vừa ngồi vào bàn ăn, Trần Kiều liền đề xuất muốn đón cha về nhà mình chăm sóc.

“Mẹ à, bố con không thể tự lo được, con tính sơ qua rồi, thuê hộ lý hay giúp việc thì ít nhất cũng 6 ngàn một tháng, mà lương con với Vu Mậu cộng lại còn chưa tới 2 vạn, thật sự không đáng. Hay là đợi khi hộ lý về, con đón bố về bên này ở. Cả nhà mình cùng chăm, cũng tiện hơn.”

“Nhà mình còn dư một phòng chứa đồ, dọn dẹp lại là được rồi. Căn hộ hiện tại của bố con cho thuê, tiền thuê cũng có thể bù một phần sinh hoạt phí.”

Tôi còn chưa kịp lên tiếng, Vu Thường và Vu Mậu đã gật đầu đồng ý.

“Phải vậy rồi, con rể cũng là nửa đứa con, hiếu kính bố vợ là chuyện nên làm.”

“Yên tâm đi Kiều Kiều, nhà mình đông người, nhất định sẽ chăm sóc chu đáo.”

Món sườn kho đặc biệt chuẩn bị để đãi khách bỗng chốc nhạt thếch như nhai sáp.

Tôi ngẩng đầu giữa những lời đồng tình dồn dập, nhìn về phía Vu Thường và Vu Mậu.

“Là các anh sẽ chăm à?”

Con trai, con dâu đều đi làm cả ngày, Vu Thường thì là ông già không động ngón tay vào việc nhà. Trọng trách này rõ ràng lại rơi xuống đầu tôi.

Mấy năm trước, ngày đêm không nghỉ chăm sóc bố mẹ chồng bệnh tật khiến tôi nhớ lại rõ ràng.

Người già ốm đau, đánh không được, mắng không xong, suốt ngày rên rỉ than phiền, thật sự là mệt mỏi đến tận xương tủy.

Tôi vất vả lắm mới tiễn được hai ông bà về với tổ tiên, giờ lại bắt tôi chăm một người bệnh liệt nửa người nữa, nghĩ thôi đã thấy nghẹt thở.

Tôi nói rất khẽ, nhưng không khí trên bàn ăn lập tức lạnh xuống bằng không.

Vu Thường nhíu mày.

“Mấy ngày nay bà cứ mặt nặng mày nhẹ, rốt cuộc là muốn gì? Chẳng phải chỉ là chăm người bệnh liệt nửa người thôi sao? Trước kia bà cũng quen làm rồi, giờ sao lại không được?”

Ông ta đặt bát xuống.

“Trang Quế Hương, bà tiêu tám trăm tệ buổi chiều nay mua cái gì thế hả? Làm bằng vàng à? Thôi thì tôi coi như bỏ tiền giải xui, nhưng bà càng ngày càng lấn tới, thế này nữa thì tôi chẳng đưa bà xu nào nữa đâu.

“Già rồi, không lo con không lo cháu, chẳng lẽ bà còn định bỏ nhà mà đi, học theo mấy loại đàn bà lộn xộn bên ngoài, già rồi mà còn đòi ly hôn?”

Hai chữ “ly hôn” khiến tôi ngẩn người.

Đúng vậy, ly hôn.

Trước giờ tôi chưa từng nghĩ đến chuyện ly hôn.

Thấy tôi không nói gì, Vu Thường dừng lại một chút, dịu giọng xuống.

“Tôi biết bà không vui, nên chiều nay tôi mới chạy đi mua dâu cho bà đấy thôi. Con người phải biết đủ.”

Vu Mậu cũng vội vàng gật đầu theo.

“Đúng đấy! Mẹ! Con chẳng phải là con ruột của mẹ sao? Giúp bọn con một chút thôi mà khó đến thế à?”

Vu Mậu có khuôn mặt giống y hệt cha mình thời trẻ, lúc này đầy vẻ trách móc, cứ như thể tôi nợ nó điều gì.

“Muốn làm sao thì làm, tóm lại chuyện đó tôi không lo.”

Vừa dứt lời, chiếc bát trong tay Vu Thường đã bay tới, rơi xuống đất vỡ choang.

“Hay lắm! Không cần bà! Chẳng qua chỉ là chăm một người thôi mà, bà tưởng thiếu bà cái nhà này sống không nổi chắc? Không lo thì để tôi lo! Vu Mậu, sau này cứ coi như không có người mẹ này!”

Tôi ôm trán, máu chảy ra ướt tay, một lúc lâu vẫn chưa hoàn hồn.

Đến khi tôi lấy lại ý thức, cả bàn ăn đã tan rã.

Vu Mậu vẫn còn lầm bầm.

“Mẹ, mẹ cũng đừng trách bố, là mẹ quá đáng thật mà! Có chút chuyện nhỏ cũng lật lên lật xuống.”

Tối hôm đó, tôi hỏi con gái về chuyện ly hôn.

5.

Hai cha con nói là làm, vừa tiễn hộ lý đi, hành lý của bố Trần Kiều đã được chuyển sang.

Cùng lúc đó, con gái tôi báo tin visa làm gấp đã được duyệt, vé máy bay cũng mua rồi, sáng ngày kia là bay.

“Mẹ, mẹ không cần lo gì hết, vừa xuống máy bay là sẽ thấy con ngay.”

Có lẽ là sự ăn ý giữa mẹ và con gái, tôi không nói với hai cha con chuyện này, Oanh Oanh cũng không.

Ngày đầu tiên bố Trần Kiều đến nhà, Vu Thường quả thật làm như lời hứa, bắt tay vào chăm sóc.

Chỉ là lúc thay tã giấy thì nôn mửa nửa ngày, đến khi lau người cho ông cụ thì lại nôn tiếp.

Mới chăm một ngày, buổi tối đợi Vu Mậu vừa về đến nhà, ông ta đã bắt đầu than thở.

“Lưng tao sắp gãy rồi, có người thì ngồi cả ngày trên ghế sô pha xem TV như không thấy gì, lương tâm bị chó tha đi đâu hết rồi.”

Tôi vờ như không nghe thấy, im lặng dọn dẹp mấy chậu cây cảnh ngoài ban công.

Hai chậu hải đường này khó nuôi lắm, tưới ít cũng chết, nhiều cũng chết. Giờ đi nước ngoài, không thể mang theo, đành gửi cho chị bạn nuôi giúp.

Vu Thường bóng gió mỉa mai, Vu Mậu cũng lấp lửng châm chọc.

Hai người họ nhìn tôi chằm chằm, mong tôi lại mềm lòng, nói ra mấy câu vừa tai họ.

Nhưng tôi quay lưng đi thẳng vào phòng ngủ.

Tôi quá hiểu hai người này rồi.

Biết tôi dễ mủi lòng, nên cứ vờ gánh trách nhiệm, rồi cuối cùng lại đổ hết lên đầu tôi.

Chỉ là lần này, có lẽ họ phải chịu khổ một phen.

Sống chung hơn ba mươi năm, Vu Thường chưa từng thấy tôi cứng rắn đến mức này, luôn nghĩ tôi không nỡ thật sự bỏ mặc.

Tối đó, ông Lý đầu hói gọi rủ đi câu cá, Vu Thường lập tức đồng ý, còn cố ý bật loa ngoài khi nói chuyện điện thoại, làm như muốn tôi nghe thấy.

Nhưng ông ta không mở miệng, tôi cũng làm như không biết. Sáng hôm sau, tôi còn cố tình dậy sớm hơn ông ta, ra ngoài trước.

Chỉ không ngờ rằng, lúc quay về, chìa khóa lại không mở được cửa.

Là ổ khóa mới tinh, chìa cũ không còn tác dụng.

Tôi gọi điện cho Vu Mậu.

Đầu bên kia ấp a ấp úng một hồi, chỉ thốt ra một câu:

“Mẹ, mẹ xin lỗi bố đi mà, con còn phải đi làm, chuyện của người lớn, con không tiện xen vào…”