Còn chưa bước vào, tôi đã nghe tiếng con dâu, Trần Kiều, đang nổi nóng.

“Bộ không phải con anh à? Anh nhìn một cái cũng không thèm nhìn! Đứa nhỏ thế này mà để đói khát! Cả cái nhà này chết hết rồi à!”

Tay đang mở cửa của tôi khựng lại một chút, rồi tôi giả vờ như chưa nghe gì, đi thẳng vào nhà.

Thấy tôi, Vu Mậu vốn đang cúi đầu làm ra vẻ hối lỗi lập tức như bắt được cái cớ.

“Mẹ! Cả buổi chiều mẹ đi đâu vậy!? Tiểu Bảo đói khóc cả lên!”

Vu Thường như cũng sống lại, khoanh tay từ phòng ngủ đi ra, mặt nặng như chì.

“Bà ra ngoài thì cũng phải mang Tiểu Bảo theo chứ.

“Chúng tôi có biết dỗ đâu, đứa nhỏ khóc cả buổi chiều rồi đấy.

“Có việc gì thì cũng phải nói một tiếng chứ? Về muộn thế này, cơm nước chẳng lo, cả nhà uống gió Tây mà sống à…”

Nghĩ đến mấy hôm nữa mình sẽ sang thăm con gái, vốn dĩ tôi không muốn đôi co với họ.

Nhưng tôi cố nhịn rồi lại không nhịn được.

“Không biết dỗ thì học.”

Oanh Oanh từng nói, chẳng ai sinh ra đã biết nấu cơm, giặt đồ hay dỗ trẻ. Vu Thường sống cả đời chưa từng giặt cái áo, chưa từng rửa cái bát.

Từ hôm nay, tôi cũng không làm nữa.

Không biết nấu thì học, học không được thì đói.

Chắc là nhớ đến chuyện ban chiều cãi nhau với tôi, thấy tôi còn chưa nguôi giận, Vu Thường im luôn.

Nhưng Vu Mậu vừa mới bị mắng, vẫn còn uất ức.

“Mẹ, mẹ sao vậy!? Không sống nữa à?

“Kiều Kiều đi làm cả ngày, con thì khó lắm mới được nghỉ. Mẹ rảnh cả ngày, mẹ không nấu cơm thì ai nấu?”

Tôi chẳng buồn cãi nhau với họ, tự đi vào phòng, để mặc ba người ngoài phòng khách trố mắt nhìn nhau, đứng sau cánh cửa thì thầm bàn tán.

“Bố? Sao thế này ạ?”

“Biết đâu! Có tí bản lĩnh mà tính khí thì ghê gớm, miệng như có lỗ thủng, một quả dâu chưa kịp ăn đã nổi điên lên rồi.”

“Trời ạ, chỉ vì chuyện nhỏ thế thôi hả? Biết vậy con để lại hai quả, mai đi mua ít về cho bà ăn là được mà.”

Trần Kiều không nói câu nào, bế con về nhà mẹ đẻ.

Tối hôm đó, tôi không nấu cơm.

Sáng hôm sau, tôi cũng không nấu bữa sáng.

3.

Tôi hiếm hoi được ngủ nướng một giấc, bên ngoài thì đã loạn như chiến trường.

Vu Mậu dậy muộn, cuống cuồng chuẩn bị đi làm.

“Mẹ, cái áo sơ mi trắng của con mẹ để đâu rồi? Hôm nay con có cuộc họp, phải mặc cái đó, mẹ là ủi chưa?”

“Chưa giặt.”

“Thế giờ phải làm sao!?”

Vu Mậu đứng đơ ra như tượng.

Vu Thường thì bám ngay sau lưng con, giục tôi dậy.

“Bà không giặt quần áo thì thôi, con trai sắp đi làm rồi, bà dậy nấu cho tôi tô mì, tôi ăn xong còn phải ra ngoài, hẹn ông Lý đầu hói đi câu cá rồi đấy.”

Tôi thẳng thừng trùm chăn kín đầu: “Tôi thấy mệt, các người tự lo đi.”

Bên ngoài chăn im lặng mấy giây, sau đó là tiếng Vu Thường hừ lạnh.

“Bà không làm thì tôi đi ra ngoài ăn! Tôi không tin thiếu bà thì trái đất ngừng quay! Có bản lĩnh thì bà đừng làm suốt đời luôn đi! Cả nhà mà cứ ra quán ăn xem bà trụ được mấy ngày!”

Tôi thầm nghĩ, cố được sáu ngày thôi, đến lúc đó các người không làm cũng phải làm.

Chờ họ đi hết, tôi cũng ra khỏi giường, ra ngoài tìm mấy chị bạn già.

Một chị bạn số đỏ, chồng mất sớm, lại gặp đúng đợt tái quy hoạch lần hai, giờ sống ung dung tự tại, ngày ngày ra công viên nhảy múa.

Nghe tôi sắp ra nước ngoài, chị kéo tôi đi thẳng vào trung tâm thương mại cao cấp.

“Ra nước ngoài mà không mua vài bộ đồ đẹp à? Nhìn cái áo trên người bà xem, bạc phếch cả rồi, cái này mười năm trước tôi đã thấy bà mặc rồi đấy.”

Chiếc gương lớn bên cạnh phản chiếu mái tóc hoa râm bên tai và ống tay áo ngả màu, khiến tôi bất chợt ngẩn người.

Rõ ràng 35 năm trước, tôi cũng là một cô gái thích ăn diện.

Khi cưới, Vu Thường còn nói sẽ để tôi làm cô gái nhỏ cả đời.

Nào ngờ năm tháng mài mòn, chớp mắt đã thành bà lão.

Chị bạn chọn cho tôi kha khá đồ, hào sảng nói sẽ tặng.

Tôi từ chối liên tục, sống tiết kiệm quen rồi, chỉ lấy một bộ, dù chỉ có một bộ mà cũng tới 300 tệ, trong lòng vẫn thấy bất an.

Nhưng rồi tôi lại nghĩ, mấy cái cần câu chất bụi đầy trong nhà mà Vu Thường mua còn đắt hơn bộ đồ của tôi nhiều.

Nghĩ vậy, tôi chọn thêm một bộ nữa, vừa tròn con số 800, mua luôn cho lấy hên.

Về đến nhà, Vu Mậu chưa tan làm, Vu Thường thì đã về từ sớm, lúng túng ngồi dựa lưng trên ghế sô pha, liếc mắt nhìn tôi.

Tôi liếc qua ông ta, rồi dừng lại ở túi trái cây đặt trên bàn trà.

Thấy tôi để ý, Vu Thường ngẩng cằm một cách kiêu căng.

“Thứ này hơn hai chục tệ một cân đấy, đúng là phiền phức! Ăn mau đi, ăn xong thì vào nấu cơm!”

Miệng túi mở toang, lộ ra hơn chục quả dâu tây đã héo rũ, nhìn qua là biết hàng tồn mấy ngày rồi.

Chưa rửa, Vu Thường đương nhiên cũng không định ăn. Bởi vì là mua cho tôi.

Trước kia cũng vậy, đồ tốt để dành cho chồng đang làm lụng vất vả, cho con cái ăn trước, phần còn lại – dù hỏng, cũng là của tôi.

Hồi ấy cả nhà đều khó khăn, khổ một chút cũng chẳng sao.

Nhưng giờ Vu Thường mỗi tháng có lương hưu, con cái cũng lớn cả rồi.

Tôi không muốn ăn nữa.

Trước mặt Vu Thường, tôi ném luôn túi dâu vào thùng rác.

Chưa kịp để ông ta nổi giận, tôi đã giành nói trước.

“Hỏng rồi, ăn không được nữa.”

Rồi tranh thủ lúc ông ta còn sững người, tôi quay lưng vào bếp.

Trước khi về nhà, con dâu gọi điện nói tối nay nhà thông gia sẽ đến chơi. Dù sao cũng là khách, không thể để người ta đói bụng được.