Chính câu hỏi ấy, ta cũng từng không ít lần tự hỏi mình.

Thuở còn ở Kinh thành, chỉ vì nét tiểu khải viết ra không đủ thanh tú, ta đã bị mẫu thân bắt quỳ gối giữa trời tuyết.

Tuyết phủ trắng vai, cao đến cả thước, ta mới được cho phép trở vào trong.

Dù đôi tay đầy những vết hàn thương rướm máu, những trang chữ cần luyện vẫn không được phép thiếu một tờ nào.

Bữa ăn mỗi ngày cũng bị quy định nghiêm ngặt số lượng, dù có thích món gì đến đâu, cũng không được phép ăn quá phần.

Chỉ cần tăng thêm chút cân, liền bị phạt nhịn đói suốt một ngày.

Trước mỗi buổi yến tiệc danh gia vọng tộc, ta đều phải dốc hết tâm trí chuẩn bị.

Từ y phục trang sức cho đến lời ăn tiếng nói, từng chút đều không dám sơ suất.

Chỉ sợ một lời lỡ miệng, một bước lỡ nhịp sẽ bị chê cười giữa tiệc rượu quý tộc,

Làm mất mặt Giang gia, cũng đánh mất luôn cơ hội trở thành con dâu phủ Bá tước.

Nhưng giờ đây, từng hơi thở mỗi ngày của ta đều là tự do.

Ta có thể thoải mái cười nói, có thể sống theo ý mình, không phải rập khuôn theo lễ giáo nghi thức.

Tuy rằng cơm ăn áo mặc đều đơn sơ, nhưng những người quanh ta lại vô cùng chân thành giản dị.

Vậy thì… có gì để tiếc nuối chứ?

“Giang Vu, tâm tính như nàng, thật là hiếm có.”

Trong mắt hắn ánh lên một tia kinh diễm khó giấu.

Thế nhưng, lời khen ấy với ta mà nói, chẳng đáng kể gì.

Chỉ là một kẻ từng suýt chết đuối, may mắn vớ được sợi dây cứu mạng, thì dĩ nhiên sẽ không buông tay.

Không biết hiện giờ, Giang Uyển đang sống ra sao nơi kinh thành phồn hoa ấy?

7

Thời tiết dần lạnh, sương sớm bắt đầu rơi.

Một sáng nọ, trong lúc dậy sớm xay đậu, mẫu thân trượt chân té ngã, tổn thương đến xương cốt.

Ta giặt khăn sạch, cẩn thận lau mặt cho người, lại bưng cơm đến bên giường.

Mẫu thân nhìn ta, đôi mắt ngập đầy ý cười, khẽ cảm thán:

“Có được một đứa con gái hiểu chuyện, biết lo thế này, đúng là phúc của ta.”

Ta chợt nhớ lại chuyện cũ.

Năm xưa ở Kinh thành, có lần mẫu thân bị sốt nặng.

Ta ngày đêm không rời giường bệnh, chẳng dám cởi áo nghỉ ngơi, túc trực bên cạnh không ngơi nghỉ.

Ấy vậy mà vẫn chưa từng được một lời khen ngợi.

Còn hiện giờ, chỉ là chút săn sóc thường ngày, lại khiến mẫu thân cảm động đến vậy.

Ta mỉm cười, tiếp tục giúp bà rửa mặt:

“Mẹ à, đối với con gái ruột của mình, đâu cần khách sáo đến thế.”

Mẫu thân thoáng sững người, rồi ôm ta vào lòng, lệ rưng rưng gật đầu.

Một lúc sau, bà cũng nắm lấy tay ta đang vắt khăn, dịu dàng nói:

“Vậy con cũng hứa với mẹ, ở trước mặt cha mẹ, không cần phải ép mình tỏ ra hiểu chuyện, cũng không cần gượng cười làm người lớn.”

Khoé mắt ta cay xè.

Từ ngày trở về bên cha mẹ ruột, họ luôn hết mực yêu thương ta,

Chưa từng nghi ngờ, chưa từng ngăn cản bất kỳ lựa chọn nào của ta.

Thế nhưng, giữa ta và cha mẹ, vẫn luôn thiếu đi một loại thân mật đặc biệt mà chỉ người ruột thịt mới có.

Không ngờ, sự xa cách suốt mười mấy năm ấy, cuối cùng lại được hóa giải vào một buổi sớm mùa đông bình dị thế này.

Khi bầu không khí trong nhà đang ấm áp lạ thường, bất chợt có tiếng hô lớn từ học trò trong học viện vang lên gọi ta.

Thì ra là Thanh Thanh  cô bé rời học viện để đi lấy chồng vừa mới “ra tay” đánh cho chồng mình một trận tơi bời.

Trở về học viện, sau khi nghe kể lại đầu đuôi câu chuyện, ta không nhịn được mà bật cười sảng khoái.

Rồi ta quay sang hỏi lại bà Triệu  người đến tận nơi gây chuyện:

“Thanh Thanh làm sai chỗ nào?”

Bà Triệu thấy ta dám cười, càng tức giận đến nỗi thở hổn hển.

“Nó là con gái, vậy mà dám ra tay đánh cả chồng mình, còn ra thể thống gì nữa! Ngươi rốt cuộc dạy bọn con gái cái gì vậy hả?”

Thế nhưng ta còn chưa kịp trả lời, thì Thanh Thanh đã bước ra, giận dữ mắng lớn:

“Trong nhà heo bò gà vịt còn chưa kịp cho ăn, hắn đã say rượu lết về thì thôi đi. Đã thế còn vừa về tới đã chê cơm dở, ta không tạt luôn nước cơm nóng vào mặt hắn đã là nhân từ lắm rồi đấy!”

“Đàn ông mắng đàn bà chẳng phải là chuyện hiển nhiên sao?”  bà Triệu cố chấp lên tiếng bênh con trai mình.

Thanh Thanh hừ lạnh một tiếng, nhếch môi cười mỉa:

“Với bà thì là bình thường. Nhưng giờ tôi đã bước vào cái nhà này, chuyện đó tuyệt đối không thể chấp nhận.”

“Về sau, chỉ cần Triệu Nhị còn dám ra vẻ ông lớn trước mặt tôi một lần, tôi đánh hắn một lần.”

Ánh mắt Thanh Thanh sắc lạnh, lời lẽ đanh thép, nói là làm.

Bà Triệu bị khí thế của nàng chèn ép, nhất thời không dám mở miệng thêm câu nào.

Sau này ta nghe nói, nhờ sự quản thúc nghiêm khắc của Thanh Thanh,

Triệu Nhị bắt đầu biết chí thú làm ăn, mỗi ngày đều siêng năng cần mẫn, cuộc sống ngày một khấm khá hơn.

Bà Triệu tận mắt chứng kiến “cái lợi” khi con dâu dữ dằn ra mặt, cũng dần dần học được cách cứng rắn với chính trượng phu của mình.

Không biết từ bao giờ, danh tiếng nữ tử trấn Cổ Điền tính cách mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm đã lan khắp bốn phương tám hướng.

Thế nhưng điều kỳ lạ là, hôn sự của các cô gái ấy chẳng những không bị cản trở,

Ngược lại, ngày càng có nhiều người ngưỡng mộ, muốn cưới được một cô nương của trấn Cổ Điền.

Còn ta… ta biết rõ, mình không thể giúp những số phận đã định hình thoát ra khỏi trấn nhỏ này.

Nhưng ta nghĩ, sau này con cái của các nàng, hẳn sẽ có một cuộc sống đầy đủ và phong phú hơn.

Còn những đứa trẻ giờ đang ê a đọc sách dưới mái trường này, tương lai của chúng, chắc chắn sẽ có nhiều lựa chọn hơn, nhiều cánh cửa rộng mở hơn.

8

Ta vốn ngỡ rằng cuộc sống sẽ cứ thế bình yên trôi qua từng ngày.

Ngoại trừ việc ta kiên quyết không lập gia đình khiến cha mẹ thi thoảng lải nhải đôi câu, thì thời gian còn lại đều nhẹ nhàng thanh thản.

Thế nhưng, một ngày nọ, bất ngờ có người cưỡi ngựa gõ mạnh cửa viện học.

“Quản gia Bạch?” Ta sững sờ.

Kể từ ngày rời khỏi Giang phủ, ta chưa từng gặp lại ông ấy.

Thấy ông đầy vẻ phong trần mệt mỏi, ta liền biết  hẳn đã có chuyện lớn xảy ra.

Trong đầu ta nhanh chóng lướt qua hàng loạt khả năng, tim chợt siết lại, thân thể cũng khẽ run rẩy:

“Là tổ mẫu… Người có bệnh?”

Quản gia Bạch mím môi, nặng nề gật đầu:

“Lão phu nhân sắp không qua khỏi… Trước lúc đi, chỉ muốn gặp cô nương một lần cuối.”

Ta không nhớ rõ bản thân đã lao về nhà thu xếp hành lý thế nào.

Khi lấy lại được chút ý thức, thì xe ngựa đã lăn bánh rời khỏi thành, đi được mấy chục dặm đường rồi.

Ta lòng nóng như lửa đốt, ép quản gia Bạch ngày đêm gấp rút lên đường.

Cuối cùng, trong một buổi sáng mờ sương, ta cũng kịp trở về Giang phủ.

Phụ thân và mẫu thân năm xưa vẫn ngồi cao tại chính sảnh.

Ánh mắt chúng ta chạm nhau, nhưng chẳng ai mở miệng nổi nửa lời.

Ta thật sự không biết phải xưng hô thế nào với hai người trước mặt.

“Thôi được rồi.” – Giang lão gia mệt mỏi khoát tay –
“Con cứ đi gặp tổ mẫu trước đi, an ủi bà ấy một chút.”

Ta được lệnh, vội vàng chạy về phía viện của tổ mẫu.

Ký ức mười lăm năm sinh sống nơi đây bỗng chốc như được khởi động lại.

Ta men theo lối cũ, quen thuộc đến từng bước chân, đến trước phòng tổ mẫu.

Rồi quỳ sụp xuống trước giường bà, khẽ khàng nói lời tạ lỗi.

Ta đến… quá muộn rồi.