Đại tỷ qua tháng thứ năm thai kỳ, thân thể đã ổn, cũng đến Cao phủ ở bên ta.

“Năm ấy muội vừa về nhà, đêm nào cũng gọi tên thiếu gia trong mộng.”

Ta cùng đại tỷ nằm chung giường, vốn tưởng tâm tư mình giấu giếm kín đáo, nào ngờ lại bị nhìn thấu từ lâu.

Đại tỷ khẽ khàng chạm vào mũi ta: “Muội nghĩ có thể giấu nổi tỷ sao?”

“Tỷ chỉ lo muội bị kẻ khác gạt gẫm, nay xem ra, thiếu gia nhà họ Trần quả thực không phụ muội.”

“Phương Phương, tỷ chỉ mong muội đời này được hạnh phúc.”

Ta ôm lấy tỷ, lại khóc như đứa trẻ.

Người ta thường nói: con gái mồ côi mẹ, như cỏ dại bên đường.

Mà ta — Cao Phương Phương — từng trộm bánh bao, từng ăn cơm thừa canh cặn, từng bị cha ruột bán đi, từng bị chủ tử trách phạt…

Chưa từng dám mơ sẽ có một ngày khổ tận cam lai.

Nay lại được gả cho người thật tâm với mình — ta thấy đã là mãn nguyện lắm rồi.

Ngày thành thân, phu nhân ra lệnh phá cửa viện của tân di nương.

Con trai thành thân, làm cha sao có thể không ra mặt?

Trước mặt quan khách, lộ ra chính là đạo sĩ luyện đan và lão gia quỳ lạy chí thành.

Chẳng đến ba hôm, cả thành đều truyền rằng: Trần lão gia xuất gia tu đạo.

Thiếu gia mặc nhiên trở thành tân gia chủ.

Ta theo phu nhân học cách quán xuyến sản nghiệp trong ngoài, lâu ngày cũng thành thạo, xoay chuyển thuận tay.

Tiểu thư nay đã biết mang giày gấm, tung tăng chạy khắp viện, cử chỉ phong thái rất giống tân di nương thuở trước.

Cuối xuân, hoa rụng đầy sân, tân di nương phái người tới báo tin: lão gia bệnh nặng nằm liệt, cơm nước chẳng vào.

Phu nhân cầm bút khựng lại, miệng không ngừng lẩm bẩm “xúi quẩy”, rồi sai quản gia chuẩn bị hậu sự.

Tân di nương tìm đến ta khi ta đang ôm tiểu thư đẩy xích đu.

So với trước, nàng lại càng diễm lệ. Mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười đều mang theo phong tình thấm đẫm.

Tiểu thư vươn tay đòi nàng bế.

Tân di nương rưng rưng, ánh mắt không tin nổi: “Ta thực sự… có thể bế con bé sao?”

Ta khẽ gật đầu.

Giây tiếp theo, nàng ôm lấy tiểu thư, hoa lụa cài đầu chạm vào má con bé, khiến tiểu thư cười khanh khách.

Phải thật lâu sau, hai mẹ con mới rời nhau được.

Ta biết nàng tới để cáo biệt, liền ra hiệu cho nha hoàn bế tiểu thư đi trước.

“Ông ta sắp chết rồi… ta thực vui mừng!”

Ta đứng ngây đó, không biết nên nói gì —

“Ngươi… gan lớn thật đấy!”

Tân di nương khẽ cười: “Hắn đối với mẹ con ta độc ác đến thế, đây là quả báo! Là gieo nhân nào gặt quả nấy!”

Nàng đứng dậy, thân hình tựa cỏ lau nghiêng ngả trong gió.

“Ta có làm ít y phục cho con bé, với vài món trang sức, lát nữa cho người mang tới.”

“Còn nữa, sau khi ta đi rồi, hãy sai người nhổ hết hoa trong viện ta đi.”

Về sau, ta mới hay — hoa ấy là mạn đà la từ Tây Vực, vừa có thể làm thuốc, vừa có thể giết người…

Phối thêm “tiên đan” trộn thủy ngân cùng chu sa, dù Hoa Đà tái thế cũng bó tay vô sách.

Tân di nương ôm tâm niệm phải chết cùng lão gia, quyết một phen liều mạng đòi mạng người.

Ngày lão gia hạ táng, tân di nương bỗng bặt vô âm tín.
Không mang theo gì, chẳng để lại vật gì — hệt như lúc mới bước chân vào phủ.

Tay không đến, tay không đi.

Sau khi thiếu gia nhậm chức, ngày một bận rộn.

Ban đầu, ta còn ngồi đợi người về mỗi đêm; về sau, dứt khoát chẳng đợi nữa.

Tiểu Thúy nói: nữ nhân thức khuya hại sắc diện.

Vậy nên ta đổi đủ món, chưng hầm canh móng giò.

Phần thừa nửa bát, để lại cho thiếu gia làm canh khuya.

Cho đến khi quan phục mới may của người vừa vặn khoác lên, ta mới chịu ngừng tay.

Qua rằm tháng Giêng, ta hoài thai.

Thiếu gia lật tìm bao thư sách, chỉ để chọn lấy một cái tên xứng đáng.

Mười tháng trôi qua, ta hạ sinh một tiểu nữ, đặt tên là Trần Du Ninh.

Tựa trong “Thi” viết: “Yết yết kỳ minh, quân tử du ninh.” (哕哕其冥,君子攸宁)

Cầu mong con cả đời bình an, thuận hòa hạnh phúc.

Lại một mùa Nguyên Tiêu nữa.

Thiếu gia bế Du Ninh, treo bảng cầu phúc lên thật cao.

Đèn hoa vừa rực rỡ sáng bừng, Du Ninh vỗ tay chỉ về phía xa: “Mẫu thân mau nhìn kìa! Pháo hoa!”

Hoàn