Phải rồi.

Hắn đâu còn là Phó Yến Lễ của bảy năm trước.

Không còn là kẻ từng thấy ta một chữ bẻ đôi cũng không biết, liền giữa đêm vùi đầu trong phòng ta, kiên nhẫn dạy từng nét bút.

Cũng chẳng phải vị hoàng tử lạc lõng giữa hoàng cung, mỗi khi chán chường chỉ cần nghe ta ngâm đôi câu thơ là bật cười khoan khoái.

Hắn bây giờ là Thái tử cao cao tại thượng, là người kế vị chí tôn tương lai.

Một cơn nghẹn nơi lồng ngực, ta bỗng không cam lòng mà bật người đứng dậy:

“Thiếp biết múa kiếm”

“Không cần.”

Phó Yến Lễ ngắt lời ta, sắc mặt càng lúc càng lạnh.

“Đây không phải việc một Thái tử phi nên làm.”

Ta chợt thấy lòng mình lạc lõng.

Đêm trước khi Phó Yến Lễ được sắc phong Thái tử, hắn vẫn còn nói với ta rằng, bất kể hắn là ai, ta chỉ cần làm chính mình là được.

Vậy mà mới hơn một tháng trôi qua, lời hứa ấy… sao lại không còn giá trị nữa?

“Thái tử phi nghe lọt tai chứ?”

Thím Lưu ngồi xuống bên cạnh ta, ánh mắt mang theo mấy phần lo lắng.

Ta lơ đãng gật đầu:

“Quả đúng như thế.”

Kỳ thực bao năm qua, ta cũng từng cố gắng để trở thành một nàng dâu hoàng tộc xứng danh.

Nhưng so với Hứa Họa cùng đám tiểu thư thế gia được dạy dỗ từ tấm bé,

Muốn trong vòng hai năm ta có thể uyên bác đa tài, thông thạo thi họa thư cầm như họ…

Quả thực là làm khó ta rồi.

Thật sự là quá làm khó ta rồi.

3

Một đêm không ngủ.

Cho đến khi nơi chân trời xanh nhạt dần dần nhuộm lên một tầng phấn hồng.

Trời… cũng đã sáng.

Ta loanh quanh trong ngõ nhỏ suốt nửa canh giờ.

Miệng thì viện cớ rằng sợ bản thân vụng về sơ sót, để quên mất vật gì.

Trong lòng ta, lại âm thầm mang một tia hy vọng.

Ta chăm chú nhìn về cuối con ngõ thật lâu, nhưng… vẫn không một ai đến tìm.

Bước chân đặt lên phiến đá xanh, đi về phía bến thuyền, mặt sông vẫn mịt mờ sương khói.

Mãi đến khi thuyền rời bến, sương sớm mới đột ngột tan đi.

Có lẽ… không chỉ là sương sớm.

Cũng không chỉ là màn sương tan biến.

Đứng ở đầu thuyền, chỉ nghe thấy giọng thuyền phu cất lên:

“Đi đến Lâm An, phải mất mấy ngày đường thủy đó.”

Ta dốc một nửa số ngân lượng còn lại trên người, mới mua được một tấm vé thuyền.

Thuyền vừa chèo ra chưa bao xa, trong khoang liền vang lên tiếng trẻ nhỏ ngân nga đồng dao:

“Ai ai cũng nói Giang Nam đẹp, Lữ khách chỉ nguyện ở Giang Nam đến bạc đầu.
Nước xuân biếc hơn trời, Thuyền hoa nghe mưa mà ngủ.”

Bài này thuở bé ta từng nghe qua.

Hai câu kết là:

“Chưa già chớ vội hồi hương,
Hồi hương tất sẽ đoạn trường.”

Nhưng câu ấy, thực ra không đúng.

Phải là:

“Đoạn trường rồi mới hồi hương”  mới thật chuẩn xác.

Chỉ là…

Ai lại bận tâm vì sao phải quay về chốn cũ làm gì?

Chẳng qua là ta không còn chốn dung thân nơi ấy nữa mà thôi.

Gió trên sông thổi tới, cánh buồm trên thuyền phần phật tung bay.

“Sóng lớn như vậy, cô nương trông như người kinh thành, mà chẳng hề say sóng sao?”

Thuyền phu thấy ta đứng yên nơi mũi thuyền, trong lòng lấy làm lạ, cất lời hỏi.

Ta khẽ vuốt mái tóc rối bời vì gió, tâm tư như bị cuốn theo từng đợt sóng.

“Ta từng trải qua những cơn sóng… còn lớn hơn thế này nhiều.”

Khi Phó Yến Lễ còn là một hoàng tử nhỏ bé vô danh, chẳng ai buồn để ý người đứng cạnh hắn là ai.

Biết chữ hay không, có võ nghệ hay không, chẳng mấy ai bận tâm.

Cho đến khi hải tặc Nam Hải tác oai tác quái, triều đình không ai dùng được.

Phó Yến Lễ khi ấy vừa tròn mười tám, tự mình xin lĩnh binh.

Ta từ nhỏ đã lăn lộn nơi núi rừng, chợ búa, tuy chẳng biết chữ nhưng cũng tinh tường đủ chuyện.

“Một chiếc lá rơi đã có thể biết thu đến khắp thiên hạ.”

Nhật nguyệt luân hồi, triều dâng triều rút, mây cuộn mây tan…

Ta theo hắn, bước lên con thuyền ấy.

Dù đắng đến tê miệng, ta vẫn suốt đêm gục bên mũi thuyền, giúp hắn dò gió ngắm mưa.

Phó Yến Lễ tin ta.

Hắn chỉ có thể tin ta.

Bởi trong triều, các đại thần đều đã chọn phe theo từng hoàng tử, chẳng ai nguyện ý giúp hắn.

Mà Phó Yến Lễ, ngoài ta ra, chẳng còn ai.

“Cô nương chẳng lẽ là người Lâm An?”

Thuyền phu vừa siết chặt dây buồm, thấy đã buộc chắc mới yên tâm ngồi xuống trò chuyện cùng ta.

Ta khẽ mím môi gật đầu, rồi lại lắc đầu:

“Vừa phải, vừa không.”

Bởi ta chưa từng đặt chân đến Lâm An.

Chỉ là khi xưa A gia từng ngày ngày lẩm nhẩm rằng Giang Nam là đất tốt, sớm muộn gì ta cũng sẽ về lại Lâm An.

Thuyền phu kéo tay áo, chẳng bận tâm đến lời đáp mơ hồ của ta, cười bảo:

“Giang Nam là nơi sinh dưỡng lòng người, cô nương đến Lâm An ở độ nửa năm thôi, đôi mày này nhất định chẳng còn phải cau nữa.”

Dù chỉ là liếc qua, nhưng ông ta vẫn nhìn ra ta không hề vui vẻ.

Nhưng ai biết được, ta vốn từng là cô nương cười rộ ràng nhất vùng ngoại thành kinh đô kia mà.

4

“Ba ngày nay nàng vẫn chưa về phủ?”

Trong Đông cung, dải lụa đỏ treo mừng hôn lễ còn chưa kịp tháo xuống.

Phó Yến Lễ vừa đưa Hứa Họa vào cung ra mắt các bậc quý nhân.

Vị trắc phi tân phong được hoàng gia sủng ái nhất đã bị Thái hậu giữ lại, dặn dò đôi lời thân thiết.

“Khởi bẩm Thái tử điện hạ, hôm ấy Thái tử phi nói sẽ đến thiện đường, mấy ngày nay… vẫn chưa trở về.”

“Hôm đó nàng có gây chuyện gì trong phủ? Có làm khó các ngươi không?”

Thị vệ càng cúi đầu thấp hơn, dè dặt thưa:

“Thái tử phi hôm ấy không làm ầm ĩ gì, chỉ ra ngoài một chuyến rồi quay về, sau đó lại rời phủ. “

“Không nói gì khác? Chỉ nói đến thiện đường?”

“Vâng.”

Xem ra, lời Thái hậu quả thật không sai.

Phó Yến Lễ hơi nheo mắt lại, trong lòng có chút không vui.

Cho dù Kiến Khê xưa nay tính tình đơn thuần, nhưng đàn bà một khi đã vào cung… ắt sẽ dần sinh ra trăm phương nghìn kế.

Lần này nàng đột nhiên không khóc không nháo, mới càng khiến người ta chú ý.

Không nhắc đến oán hận, lại nhiều lần cố ý để lộ rằng mình đến thiện đường.

Chẳng qua là muốn khiến hắn nhớ lại những tháng ngày cũ — để rồi sinh lòng áy náy.

Cũng chỉ là muốn ta đi tìm nàng, dỗ dành nàng mà thôi.

Việc cưới Hứa Họa, Phó Yến Lễ đã nhiều lần giải thích với Kiến Khê, rằng đó chỉ là quyền biến để bước lên ngôi vị Thái tử.

Hơn nữa, ngay trong ngày thành hôn, hắn đã nói rõ ràng với Hứa Họa:

Hắn sẽ không yêu nàng, chỉ có thể cho nàng một đứa con.

Điều hắn không ngờ là, một nữ tử như Hứa Họa lại chấp thuận điều ấy.

Ngày ấy ở Hứa phủ, nàng vốn có thể chọn những vị hoàng tử chưa có hôn phối,

Vậy mà lại một lòng một dạ hướng về Phó Yến Lễ.

Trắc phi chung quy vẫn là thiếp.

Hứa Họa rơi hai giọt lệ si tình, nói rằng nàng nguyện ý lấy Phó Yến Lễ, cho dù chỉ là làm thiếp cũng được.

Thế mà nay ngược lại là Kiến Khê,

Nàng lại càng để tâm đến hỉ nộ của bản thân, tuyệt chẳng vì Phó Yến Lễ mà suy nghĩ điều gì.