“Đúng rồi, còn mấy con chó chết tiệt kia nữa, nó đi rồi thì bán quách đi, ăn còn nhiều hơn cả người.”

Tôi đã từng cầu xin rồi, nhưng đó là ở kiếp trước.

Khi ấy, dù đã rơi vào trầm cảm, tôi vẫn cố gắng sống tiếp chỉ vì không muốn chú chó nhỏ của mình bị hành hạ sau khi tôi chết đi.

Thế nhưng, vào dịp Quốc Khánh, họ lại bỏ tôi một mình ở nhà để đi du lịch.

Tôi không có chân, việc di chuyển rất khó khăn, trong nhà chỉ có đủ đồ ăn cho hai ngày.

Thậm chí nước sinh hoạt cũng bị cắt.

Trong khoảng thời gian đó, tôi liên tục gọi điện cho họ, nhưng cả bố lẫn mẹ đều từ chối nghe máy.

Khi đồ ăn hết sạch, tôi cũng chẳng biết phải cầu cứu ai.

Khi tôi và ba chú chó Golden đói đến mức không còn sức lực, mẹ lại đăng ảnh cả nhà ba người họ đi du lịch lên mạng, kèm theo dòng trạng thái:

“Hạnh phúc lớn nhất đời này là có bảo bối yêu quý nhất bên cạnh.”

Đói đến cùng cực, tôi chỉ có thể cùng ba chú chó lê lết xuống cầu thang, mò mẫm trong bãi rác để tìm thức ăn.

Khát nước, tôi phải tìm chai nhựa, hứng nước máy từ nhà vệ sinh công cộng mà uống.

Nỗi tuyệt vọng bao trùm lấy tôi.

Tôi căm hận tất cả bọn họ.

Nhưng ngay cả nước mắt để rơi, tôi cũng không còn.

Tôi chỉ có thể lê thân xác tàn tạ của mình, cố gắng cầm cự đến ngày họ quay về.

Vì thế, tôi vô cùng cảm kích—cảm kích ông trời đã cho tôi một cơ hội làm lại từ đầu.

Lần này, khi nhập học, tôi mang theo cả ba chú chó của mình.

Đại Hoàng và Thúy Hoa đã già rồi, tôi biết chúng không thể ở bên tôi lâu nữa.

Nhưng tôi vẫn cố gắng hết sức, thuê một căn phòng trọ bên ngoài, để chúng có thể an hưởng tuổi già.

Có lẽ thấy tôi không có động tĩnh gì, một tháng sau khai giảng, mẹ chủ động gọi điện cho tôi.

Bà ta giả vờ như chưa có chuyện gì xảy ra, sau đó dò xét:

“Tiểu Cẩm à, con xem mẹ nuôi con ăn học bao nhiêu năm nay, thật sự rất vất vả. Con đừng quên công ơn của mẹ đấy nhé.”

“Con cũng sắp tốt nghiệp rồi, mẹ đang nghĩ sau này con đi làm, lãnh lương xong đưa cho mẹ, vậy mẹ cũng có thể được hưởng phúc rồi.”

Tôi không giả vờ nữa, bật cười hỏi lại:

“Mẹ ơi, con còn chưa tốt nghiệp mà mẹ đã nhắm vào tiền lương tương lai của con rồi sao?”

“Đừng giả bộ nữa, mẹ nuôi con ăn học, chẳng phải cũng chỉ để sau này vắt kiệt sức con mà hưởng lợi thôi sao?”

“Mẹ quên những gì mẹ từng nói à? Mẹ nói con là con sói mắt trắng (ý chỉ kẻ vô ơn), thế thì làm sao con có thể ngoan ngoãn đưa tiền cho mẹ được chứ?”

Mẹ tôi lập tức nổi cơn thịnh nộ, bà ta tức đến mức thở hổn hển, cuối cùng buông ra một câu độc địa:

“Dịch Vấn Cẩm, quả nhiên mày đúng là một đứa vong ân bội nghĩa! Sao tao không bóp chết mày ngay từ lúc mới sinh ra chứ?!”

Tôi vẫn cười, bình thản đáp lại:

“Mẹ à, mẹ nuôi con lớn chừng này rồi, bây giờ mới nói mấy lời này, có phải là quá muộn rồi không?”

Lần này, bà ta tức đến mức dập máy ngay lập tức.

Còn tôi, nhanh hơn bà ta một bước—chặn hết tất cả liên lạc của bà ta.

10

Thực tế, từ khi vào đại học, tôi đã luôn đi làm thêm.

Mỗi tháng, tôi còn cố ý xin mẹ thêm tiền sinh hoạt, sau đó tiết kiệm bằng cách sống tằn tiện, tích góp lại từng chút một.

Thậm chí, tôi còn tìm một đàn chị viết tiểu thuyết để học hỏi, sau một thời gian nỗ lực, tôi cũng kiếm được một khoản nhuận bút kha khá.

Kiếp trước, vào dịp Quốc Khánh, đất nước phát triển rực rỡ, một động thái mới đã gây chấn động toàn cầu, trở thành tâm điểm chú ý.

Thời điểm đó, thị trường chứng khoán cũng bắt đầu tăng mạnh trước Quốc Khánh, đặc biệt là có một mã cổ phiếu đột nhiên trở thành “hắc mã”, bất cứ ai đầu tư đều kiếm lời.

Lần này, tôi không bỏ lỡ cơ hội, dồn hết số tiền tích góp trong hai năm để đầu tư ngắn hạn vào mã cổ phiếu mà kiếp trước tôi biết chắc sẽ tăng vọt, và quả nhiên tôi đã kiếm được một khoản kha khá.

Vậy nên, dù mẹ cắt viện trợ tiền sinh hoạt, tôi cũng chẳng hề bận tâm.

Cả học kỳ, mẹ không gửi tôi một đồng nào.

Nhưng tôi lại đang tận hưởng cuộc sống mà mình hằng mơ ước.

Ban ngày đi học, buổi tối viết tiểu thuyết, chơi với hai chú chó cưng.

Đến kỳ nghỉ đông, nghỉ hè thì càng thoải mái hơn.

Chỉ đáng tiếc, cuộc sống yên bình này chẳng thể kéo dài mãi.

Rất nhanh, mẹ đã nhờ họ hàng dò la tin tức về tôi.

Người đó nhắn tin WeChat, hỏi tôi sống thế nào, không có tiền sinh hoạt thì xoay sở ra sao.

Tôi cố tình than nghèo kể khổ, nói mình nghèo đến mức chẳng có gì để ăn, ngày nào cũng phải dày mặt đi vào căng tin uống mấy bát canh miễn phí cầm hơi.

Người kia nhanh chóng báo lại tình hình của tôi cho mẹ.

Rất nhanh sau đó, tôi nhận được ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện giữa mẹ và họ.

Biết tôi đang sống khổ sở, mẹ đắc ý nói tôi là đứa vô ơn, đáng đời.

Nhưng phải đến một học kỳ sau, khi mẹ gọi điện thì mới phát hiện tôi đã chặn tất cả phương thức liên lạc với bà.

Lúc này, bà mới hoảng sợ, lại tìm họ hàng đến nhắn tin với tôi:

“Chỉ cần con chịu nhận sai, mẹ sẽ gửi tiền sinh hoạt cho con.”

Tôi bật cười, đáp lại với họ hàng:

“Không cần đâu. Trước giờ tôi chỉ lừa bà ấy thôi, thực ra tôi ăn ngon ngủ kỹ, sống rất thoải mái.”

Quả nhiên, mẹ lại tức điên lên.

Bà trút giận lên người họ hàng, rồi điên cuồng nói xấu tôi.

Cũng nhờ vậy, tôi mới biết mẹ đã bịa đặt, nói với mọi người xung quanh rằng tôi đã chặn bà, không liên lạc nhưng vẫn sống sung túc.

Thậm chí, bà còn ám chỉ rằng tôi được bao nuôi, bảo rằng con gái thời nay đi học đại học, nhiều đứa làm “tiểu tam” của người ta.

Lần này, tôi chỉ cười khẩy.

Sau đó, tôi chặn luôn cả người họ hàng kia.

11

Năm tôi tiễn biệt Thúy Hoa và Đại Hoàng cũng là năm tôi thuận lợi tốt nghiệp đại học.

Chúng ra đi rất bình yên, để lại đứa con của chúng – Tiểu Bình An, luôn bên cạnh tôi.

Tôi chuyển khỏi chỗ ở cũ, thành công ứng tuyển vào vị trí biên kịch của một công ty lớn.

Sau khi sáng tác được vài tác phẩm gây sốt, tôi mua đứt một căn hộ nhỏ mà không cần vay nợ, thậm chí còn thi bằng lái và sắm một chiếc xe.

Ngày thường đi làm, sáng tác, cuối tuần tôi lái xe đưa Tiểu Bình An ra ngoại ô, leo núi, ngắm cảnh, tận hưởng cuộc sống.

Những năm qua, tôi vẫn nghe được tin tức về mẹ và bố.

Nghe nói cuộc sống của bố tôi không mấy suôn sẻ.

Ông đã có tuổi, bị công ty sa thải, tìm mãi cũng không kiếm được công việc mới.

Dốc hết tiền tiết kiệm, thậm chí vay mượn thêm để mua một chiếc ô tô điện chạy taxi công nghệ, nhưng lại phát hiện nền tảng thu phí cao, cạnh tranh khốc liệt, gần như chẳng kiếm được bao nhiêu.

Mẹ kế chê ông vừa nghèo vừa vô dụng, hai người cãi nhau một trận lớn, cuối cùng đòi ly hôn.

Cuộc sống của ông trở nên vô cùng hỗn loạn, không lúc nào được yên ổn.

Sau cùng, bị ép đến đường cùng, ông không còn lựa chọn nào khác ngoài ly hôn.

Thậm chí, để giành quyền nuôi con, ông chấp nhận ra đi tay trắng.

Đáng tiếc, sau khi ly hôn mới phát hiện ra—hai đứa con mà ông ta giành giật bấy lâu nay đều không phải con ruột của mình.

Tức giận đến tột độ, ông bỏ mặc cả hai đứa trẻ, mất hết tiền bạc lẫn gia đình.

Đến lúc này, ông mới nhớ đến mẹ tôi, chạy đến cầu xin bà ta tái hợp.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là—mẹ tôi đồng ý.

Nhưng quả nhiên, không phải người một nhà thì sẽ không vào chung một cửa.

Vốn dĩ hai người họ đã chẳng hòa hợp, dù có tái hôn, cũng vẫn cãi nhau không ngừng, ba ngày một trận lớn, hai ngày một trận nhỏ.

Không có thu nhập, chỉ ngồi không tiêu tiền, cuộc sống ngày càng túng quẫn, oán hận ngày càng chồng chất.

Vì thế, chẳng bao lâu sau, hai kẻ tái hôn này lại ăn ý tìm ra một đối tượng để bòn rút—chính là tôi.

Chỉ tiếc rằng, không ai trong số họ, kể cả họ hàng, biết tôi đang ở đâu.

Cho đến khi họ bắt đầu uy hiếp tôi, tung tin khắp nơi rằng nếu tôi không về nhà, họ sẽ báo cảnh sát, nói rằng tôi đã chết để hủy hộ khẩu của tôi.

Nghe tin này, tôi không nhịn được bật cười.

Đúng là nực cười đến ngu xuẩn.

Họ không hề biết rằng, hộ khẩu của tôi đã được chuyển đi ngay từ khi tôi vào đại học.

Hơn nữa, ngay cả việc khai tử cũng cần có thủ tục pháp lý chính thống.

Thế nên, trước sự gào thét bất lực của họ, tôi chỉ tiếp tục chọn cách phớt lờ.

Thực ra, tôi quan tâm đến tin tức của họ, không phải vì muốn biết họ sống tốt hay không.

Mà là vì tôi đang đợi một cơ hội.

Một cơ hội có thể khiến tôi rũ bỏ hết thảy oán hận kiếp trước.

12

Thực ra, sau khi chết, linh hồn tôi vẫn lang thang trên nhân gian một thời gian.

Mẹ tôi nhìn thấy thi thể của tôi, trước mặt mọi người thì giả vờ lau nước mắt, khóc lóc thảm thiết.

Nhưng sau lưng lại không ngừng nguyền rủa.

Bà hỏi tại sao tôi không đi chết ở nơi nào xa, lại cứ phải nhảy xuống ngay trước tòa nhà.

Không chỉ đè nát cây cỏ, mà còn ảnh hưởng đến giá nhà.

Bà nói:

“Mày biết căn nhà này sắp bán đi để mua nhà cưới vợ cho em trai mày đúng không? Nên mới cố tình nhảy xuống trước cửa, khiến căn nhà này không bán được?”

“Đã chết rồi cũng không chịu chết ở nơi xa một chút. Sống thì là gánh nặng, chết rồi vẫn khiến người ta chán ghét.”

Bà thậm chí còn định đào một cái hố ở vùng ngoại ô để chôn tôi xuống.

Nhưng vì luật pháp không cho phép, cuối cùng vẫn phải đưa xác tôi về quê.

Dù vậy, họ vẫn qua loa chôn cất tôi.

Nhưng lại vô cùng cẩn thận, tìm một đạo sĩ có tiếng để làm phép, mong giam giữ linh hồn tôi dưới lòng đất mãi mãi, không bao giờ được siêu sinh.

Khi biết tất cả những chuyện này, tôi quỳ xuống cầu xin vị đạo sĩ đó mở lòng từ bi, kể lại tất cả những gì mình đã trải qua.

Vị đạo sĩ ấy động lòng thương, chẳng những không làm theo ý mẹ tôi, mà còn mở đường sống, cho tôi một cơ hội.

Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc đó.

Sau khi đọc xong chú ngữ, ông lặng lẽ bổ sung thêm một câu:

“Cô ấy cũng là một người đáng thương. Bần đạo nguyện dùng hai mươi năm tuổi thọ, đổi lấy một cơ hội cho cô ấy.”

Sau đó, một luồng ánh sáng vàng bao bọc lấy tôi, đưa tôi quay về ngày trận động đất xảy ra.

Nhưng trước đó, còn có một chuyện khác xảy ra.

Chỉ vài ngày sau khi tôi chết, quê nhà lại xảy ra một trận động đất.

Trận động đất ấy không lớn, nhưng không biết là do nhà tôi xây không vững, hay là quả báo, mà cả ngôi làng đều bình an vô sự, chỉ riêng căn nhà của tôi thì sụp đổ tan tành.

Đáng tiếc, lúc đó họ không có ở nhà, nếu không thì…

Vậy nên, trận động đất này chính là cơ hội tôi chờ đợi.

Nhìn ngày đó sắp đến, tôi nhấc điện thoại lên, gọi đến số của mẹ.

13

Nghe thấy người gọi điện là tôi, mẹ tôi lập tức cười lạnh:

“Tôi còn tưởng mày chết rồi, không ngờ vẫn nhớ gọi điện cho tao à?”

Trong lúc bà ta nguyền rủa tôi, giọng bố tôi cũng vang lên trong điện thoại:

“Ai gọi đấy?”

Mẹ tôi khó chịu đáp: