16
Trước buổi tự học tối hôm đó,tôi đã đến khu tường sau ký túc xá để “khảo sát thực địa” và luyện tập trước.
Thực ra thì bức tường này cũng không quá cao.
Đo bằng mắt thì chỗ thấp nhất chắc tầm một mét tám.
Trùng hợp làm sao, tôi cao một mét sáu lăm.
May mà gần đây trường đang thi công xây dãy nhà học mới,tôi liền xin được vài cái thùng giấy từ mấy bác công nhân công trường.
Nhét thêm ít đá vụn và giấy rác vào, đứng lên cũng khá vững.
Làm mấy chuyện thế này, điều quan trọng không phải là kỹ năng, mà là gan.
Đó là điều tôi rút ra được sau khi đã trèo lên được đỉnh tường.
Đứng trên đó, tôi mới phát hiện bên ngoài bức tường chẳng có chỗ nào để bám chân cả.
Tôi nghiến răng, lấy đà đạp mạnh một cái.
Hai chân tôi đã tiếp đất.
Đôi khi không thể không cảm khái: người trẻ thật liều lĩnh.
Chỉ là cú nhảy hơi… quá đà một tí.
Thế nên lát sau, tôi lết từng bước, chân trước chân sau mà khập khiễng đi vòng ra cổng trường.
Trên đường quay lại lớp học,trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất:
May mà trước khi ra ngoài tôi đã mang theo thẻ thông hành pha-ke.
Nếu không, chắc giờ tôi chẳng biết làm sao để trèo về nữa.
Sáng hôm sau, khi chính thức thực hiện “nhiệm vụ”,tôi dậy từ năm giờ bốn mươi.
Trời còn chưa sáng, nhưng đèn nhà vệ sinh trong ký túc đã bật.
Ra khỏi tòa nhà ký túc, tôi liếc mắt nhìn quanh một vòng.
May quá, không có ai.
Bác quản lý ký túc xá khá lười, thường xuyên chỉ khép cửa chứ không khóa hẳn.
Thế là tiện cho tôi đứa học sinh dậy sớm để… “đi làm nhiệm vụ đặc biệt”.
Tôi lấy mấy thùng giấy đã giấu từ tối hôm qua ra, mỗi chân đạp một cái.
Leo được lên tường, tôi ném balo (trong đó có lót sẵn một tấm khăn mỏng) xuống đất trước.
Lát nữa nhảy xuống sẽ đỡ đau hơn.
Dù khi chân vừa chạm đất thì có hơi tê,nhưng tôi nhanh chóng đứng dậy, men theo con đường nhỏ, lao xuống dốc chạy tới cửa tiệm bánh tráng trứng.
Tôi không đi đường lớn là vì sợ bị bắt.
Một số thầy cô trong ban giám hiệu có sở thích dậy sớm chạy bộ trong khuôn viên trường.
Phần là vì sức khỏe,phần là để buổi tối ra sân vận động… bắt các cặp đôi yêu đương lén lút cho “có nghề”.
17
Khi tôi từ quán bánh tráng trứng bước ra,trời đã hửng sáng một chút, dù vẫn chưa có nắng.
Tay xách túi bánh, tôi thong thả nhìn ngắm xung quanh.
Ồ, thì ra gần trường có nhiều tiệm ăn sáng thế này cơ à.
Trước đây tôi chỉ lo vội vội vàng vàng đi học về,hoàn toàn chẳng để tâm.
Có quán bánh tráng trứng, có tiệm bánh bao, có cả quầy bán sủi cảo Quảng Đông…
Bất chợt, một ý tưởng lóe lên trong đầu tôi.
Đã ra được ngoài rồi,thì tại sao… tôi không làm “chạy vặt bữa sáng” luôn nhỉ?
Quan trọng là lớp tôi gần như chẳng có mấy học sinh đi học về hàng ngày.
Thị trường nhỏ, cạnh tranh ít, cơ hội lớn!
Sau khi trở lại trường, tôi đưa bữa sáng cho Hứa Diệu.
Sau đó liền tranh thủ hỏi thăm ý kiến mấy bạn ngồi xung quanh.
Không ngờ ai cũng nhiệt tình hưởng ứng.
Chẳng mấy chốc, tôi đã nhận được bốn cục sạc dự phòng và một tờ giấy ghi chi chít các món ăn.
“Đừng lo, anh đây đảm bảo ngày mai tất cả sẽ được sạc đầy!”
Một nam sinh nhét sạc dự phòng vào ngăn sau balo tôi,rồi quay người dúi cho tôi tờ năm tệ, còn phất tay: “Khỏi thối lại nha.”
Đúng là “hào phóng” ghê.
Một nữ sinh cầm tờ giấy gọi món đọc từng mục:
“Bọn tớ quyết định xong hết rồi! Bánh tráng trứng ba phần, tất cả đều thêm xúc xích.
Trong đó một phần thêm củ cải, hai phần còn lại không hành, không ngò.”
“Còn một phần sủi cảo nhân trứng với thịt bằm, một phần sủi cảo bò thêm tỏi phi và ớt sa tế…”
“Hết rồi hả? Nhanh thế.”
“Ừ, vậy là xong, chỉ có vậy thôi! Tiền công, mỗi đứa bọn tớ đưa cậu một tệ nhé.”
Các bạn vừa cười vừa cảm ơn tôi, tay thì dúi vào tay tôi từng đồng tiền lẻ, cả tiền đồ ăn lẫn tiền chạy vặt.
Một đống xu và tiền giấy nhỏ lẻ.
Tôi vừa nhìn bảng giá trên tờ thực đơn, vừa cầm tiền lên đếm.
Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được cái gọi là “đếm tiền đến rút gân tay”.
Cho đến khi tôi đeo balo bên trong là bốn cục sạc dự phòng quay lại “thánh địa cũ”: bức tường sau ký túc xá.
Tôi mới nhận ra…đống đồ trong balo chính là chướng ngại lớn nhất ngăn tôi nhảy tường.
Chủ yếu là do nó quá cấn.
Tôi gói sạc dự phòng trong khăn để tránh bị rơi hỏng.
Kết quả là khi tôi nhảy xuống thì tự mình vấp vào chính mình, té một cú đau điếng.
Nhưng nghĩ đến phía sau còn vô số cái bụng đang đói, chờ được “cứu tế”…
Tôi kéo lê cái chân đau của mình,kiên định bước tiếp trên con đường mang bữa sáng đến cho đồng bọn.
18
Không ngờ người như tôi mới 5 giờ 45 đã dậy đi làm,lại cũng có ngày khởi đầu không thuận lợi.
Hôm đó, tôi vừa dè dặt đẩy cửa lớn ra, đảo mắt nhìn một lượt xung quanh.
Thấy trước mặt chẳng có ai mấy,vừa định thở phào một cái…
Sau lưng liền vang lên một giọng nói đầy quan tâm:
“Dậy sớm thế này à? Có việc gì vậy con?”
Tôi — một người dậy sớm.
Đã đụng phải… cô quản lý ký túc cũng dậy sớm.…Đúng là cái gọi là “nhân duyên tiền định”.
Trong vòng ba giây, trong đầu tôi hiện ra một “cách không mấy hay ho”.
Tôi quay đầu lại nhìn cô ấy, làm ra vẻ u sầu bất an,một câu nói dối tuôn ra như nước chảy:
“Con… con học kém quá, muốn dậy sớm ra ngoài cố gắng học hành.”
Nói đến đoạn cảm động, tôi cố gắng diễn cho đầy cảm xúc:
“Có thể… con không thông minh bằng người khác, nên chỉ có thể dậy sớm hơn người ta thôi ạ!”
Ban đầu tôi còn định vừa nói vừa rơi nước mắt,nhưng nghĩ lại thấy hơi quá lố nên thôi.
Tôi chỉ biết cúi đầu, cắn chặt môi dưới.
Chủ yếu là… không dám nhìn thẳng vào biểu cảm của cô quản lý ký túc.
Không khí im lặng trong ba giây.
Đúng lúc tôi tưởng lời nói dối vụng về này sẽ bị cô bóc trần ngay lập tức,thì cô lại vui vẻ vỗ vai tôi một cái, giọng đầy khích lệ:
“Con ngoan lắm! Phải như vậy chứ, có chí thì nên! Cô mà có được nghị lực như con thì giờ chắc đã giảm cân thành công rồi.”
Nụ cười trong ánh mắt cô chứa đầy sự tán thưởng.
Ngược lại khiến tôi cảm thấy… có chút ngượng ngùng.
Sau vài câu chào hỏi khách sáo, tôi liền kiếm cớ lảng đi chỗ khác.
Vòng ra phía sau ký túc xá, đến trước bức tường quen thuộc,trước mắt tôi chỉ còn toàn đá vụn nằm ngổn ngang dưới đất.
Mấy cái thùng giấy tôi từng dùng để kê chân, đã bị người ta dọn đi mất rồi.
Tôi chạy ngược lại xem thử — thì thấy ở khu quản lý ký túc,một chồng thùng giấy cũ đang được xếp ngay ngắn gọn gàng.
Cô ơi, cô chơi úp sọt vậy có hơi nhanh không?
Thôi thì tôi đành khiêng một cái ghế ra làm bệ nhảy vậy.
Tôi tính chờ đến lúc ra chơi tiết dài rồi quay lại thu ghế về, cứ thế tuần hoàn.
Leo lên tường, tôi ngoái đầu nhìn lại.
Từ xa, tôi thấy cô quản lý ký túc đang tranh thủ lúc không ai để ý mà chạy bộ trên sân thể dục.
Chợt nhớ lại đoạn hội thoại vừa rồi với cô.
Ừm… nói sao nhỉ.
Tôi học hành và đi mua bữa sáng giúp người ta, chẳng phải cũng là vì muốn cuộc sống tốt hơn sao?
Ừ, vậy thì… chắc cũng không khác gì nhau mấy.
Nhưng mà, dù có là dậy sớm học bài,thì cũng không thể khiến tôi – đứa đang “túc tắc sinh tồn” – được ăn no bụng vào lúc này.
Thôi, không nghĩ nhiều nữa.
Cố lên nhé, cô quản lý ký túc!
Cố lên nhé, người-vác-bữa-sáng!
19
Tôi và mấy quán ăn dưới chân dốc giờ đã quen mặt nhau cả rồi.
Tuy mỗi ngày tôi mua không nhiều,nhưng lại là khách quen cố định, không thiếu ngày nào.
Thời gian lâu dần,giờ chỉ cần tôi viết một tờ danh sách đồ ăn, xé ra thành nhiều mảnh rồi đưa cho từng quán,
là họ sẽ chuẩn bị sẵn sàng chờ tôi đến lấy.
Mấy cô chú chủ quán thỉnh thoảng cũng cho tôi chút “phúc lợi fan cứng”.
Ví dụ như khi có món mới ra mắt,họ sẽ cho tôi thử trước một ít.
Có lúc tôi tự ăn, có lúc lại mang về chia cho tụi bạn trong lớp nếm thử.
Như vậy còn tiết kiệm được chút tiền mua sữa buổi sáng.
Họ hỏi tôi: “Mỗi ngày chạy lên chạy xuống như vậy, không mệt sao?”
Tôi lắc đầu, rồi còn giơ cánh tay khoe bắp tay ngày càng săn chắc:
“Rèn luyện thân thể, không lỗ chút nào.”
Mấy người ấy cười, rồi cẩn thận bọc thêm một lớp túi bên ngoài phần đồ ăn định đưa cho tôi:
“Cẩn thận nóng đấy.”
Dù mấy món ăn này giúp tôi tiết kiệm được tiền sữa,nhưng tôi… đã không còn là đứa học sinh sống bằng năm tệ một ngày nữa rồi.
Sau gần một tháng nỗ lực cần cù,bây giờ tôi đã đủ sức ăn uống với tiêu chuẩn mười tệ một ngày rồi.
Mỗi ngày giúp người khác mang đồ ăn, tôi có thể kiếm ổn định khoảng mười lăm tệ.
Dù mỗi ngày tiêu mười tệ, tôi vẫn có thể dành dụm được một ít.
Hiện tại, “kho báu nhỏ” của tôi cũng đã có hơn một trăm tệ rồi.
Đây chính là… sự trưởng thành!
Cậu thấy đấy — chỉ cần chịu khó dậy sớm, chịu khó trèo tường, chịu khó men theo đường nhỏ để mua đồ giúp người khác,là đã có thể kiếm ra tiền sinh hoạt!
Cuộc sống nhìn thì phức tạp, nhưng thật ra cũng có thể đơn giản lắm chứ.
“Tiểu Lượng, đây là bánh tráng kẹp cơm cháy của cậu.”
“Tiểu Hồ, món phúc đinh thịt lát của cậu đây, yên tâm, lần này nhất định có cho thêm ớt.”
“Hứa Diệu! Cái bánh tráng trứng bản siêu cấp đặc biệt của cậu, không hành đúng không?”
“Lâm Huyễn, tớ thấy bốn cục sạc của cậu càng ngày càng nóng đấy.
Ngày nào cũng sạc kiểu này, cảm giác nó sắp nổ đến nơi rồi.
Cậu chú ý chút đi, nhỡ có ngày nó phát nổ trên lưng tớ thì sao?”
Chương 6 tiếp :
https://vivutruyen.net/chiec-ruong-cu-va-tuoi-muoi-tam-am-ap/chuong-6