Sau khi biết nàng đã qua cơn nguy kịch, hắn mới bắt đầu giận, giận đến tức nghẹn:
“Sao nàng lại phải liều mình che kiếm vì Thánh thượng?”
Kiến Khê cười đến nhăn cả mặt, môi tái nhợt mà vẫn trêu hắn:
“Vạn sự lấy ngũ hoàng tử làm đầu.”
Đau thì có đau đấy, nhưng nếu vì vết thương ấy mà Phó Yến Lễ có thể giống các hoàng tử khác, được phụ hoàng ban ân sủng, không còn bị khinh rẻ…
Vậy thì, tất cả đều xứng đáng.
Khắp cung đèn hoa rực rỡ, chói lòa cả tầm mắt.
Phó Yến Lễ ôm chặt người trong lòng, không sao buông nổi:
“Kiến Khê, ta cho dù có chết… cũng tuyệt đối không phụ nàng.”
Còn về Hứa Họa vốn dĩ Phó Yến Lễ chẳng hề muốn cưới.
Chỉ là vì một phen “nhắc nhở” của Thái hậu mà thôi.
Thái hậu từng nói, Kiến Khê là người giỏi tính toán đến mức ngay cả mạng sống của mình cũng có thể đem ra đặt cược.
Mà chỉ một câu ấy thôi, lại khiến Phó Yến Lễ dao động.
Nếu Kiến Khê thắng canh bạc này, vinh hoa phú quý sẽ như nước chảy về trời.
Còn nếu thua, cũng chỉ là rời khỏi hoàng cung, trở lại cuộc sống trước kia.
Thái hậu nói, dù là chính bà khi còn trẻ ngồi vào vị trí như hôm nay, thủ đoạn e rằng cũng không sánh được với Kiến Khê.
Nhưng điều Phó Yến Lễ chưa từng nghĩ tới là:
Dù là người tính toán giỏi đến đâu, cũng không thể đoán được ngày mình sẽ chết.
Nếu hôm đó mũi kiếm ấy sâu thêm một tấc
Trên đời này sẽ chẳng còn ai tên Kiến Khê nữa.
Vậy thì vinh hoa phú quý kia, chẳng phải chỉ là khoác lên thân kẻ khác một bộ giá y sao?
Khi ấy, nàng đã dùng mạng đổi lấy hy vọng, dùng chân tâm mà đối đãi với hắn.
Thế mà sau này, mọi lời thề non hẹn biển, lại bị một câu “tâm huyết khuyên răn” từ người khác, khiến hắn phải ngẫm nghĩ trăm chiều, giải nghĩa nghìn lần.
Phó Yến Lễ ngồi trong phòng rất lâu, trầm mặc không nói.
Mãi đến khi cung nữ bước vào thắp đèn.
“Nàng… có từng nói, mình sẽ đi đâu không?”
Nha hoàn nghe vậy giật mình, vội quỳ sụp xuống đất:
“Nô tỳ hôm ấy cũng bị sai đi viện của Trắc phi giúp việc, không hề chạm mặt Thái tử phi…”
Phó Yến Lễ tức giận, vung tay ném mạnh chén trà trên bàn, khiến nó vỡ tan ngay trước mặt nàng ta:
“Lẽ nào người trong Đông cung đều chết sạch rồi sao? Ngay cả ngươi cũng phải sang đó giúp?”
Nha hoàn run rẩy dập đầu thật mạnh, vừa khóc vừa dập đầu vang lên “cộp” một tiếng rõ ràng:
“Điện hạ tha mạng, hôm ấy là Chương ma ma bên cạnh Thái hậu đến truyền lời… Nói rằng đó là hỉ sự lớn bậc nhất của hoàng gia, là chuyện trọng đại nhất trong cung…”
Trọng đại nhất trong cung…
Phó Yến Lễ chợt nhớ lại ngày mình cưới Kiến Khê, Thái hậu đến cả một chiếc vòng ngọc ra hồn cũng không ban.
Chớ nói chi đến chuyện phái giáo dưỡng ma ma đến hỗ trợ.
“Thái hậu còn nói gì nữa?”
“Thái hậu còn nói… nói Thái tử phi xuất thân thô tục, không biết lễ nghi, hôm nay không xuất hiện đã là biết điều.”
Có lẽ… chính những lời cay nghiệt đó,
Mới khiến Kiến Khê cảm thấy tường son cung cấm này,
Lạnh lẽo đến nỗi không thể ở thêm nữa.
8
Suốt dọc đường lênh đênh sóng gió, lúc rảnh rỗi, thuyền phu trò chuyện với ta về vợ con ở nhà.
Ông sống mưu sinh trên sông nước, còn người nhà thì mở một sạp bán tàu hủ nước đường ở đầu ngõ.
Mùi vị tàu hủ thì tạm được, mà buôn bán cũng chẳng khá hơn ai.
Cộng với chút công tiền ông kiếm được từ việc chèo thuyền, nhà tám miệng ăn cũng chỉ đủ no ngày ba bữa.
Chỉ là, sang năm mấy đứa nhỏ trong nhà phải vào học đường, chi tiêu lại càng eo hẹp.
Ta để lại cho ông một phương thuốc làm nước sốt ướp.
Cho thêm nấm tươi, mề gà và dầu thơm, tàu hủ sẽ dậy mùi hấp dẫn hơn hẳn hàng quán khác.
Ông vui đến mức miệng không ngừng lảm nhảm, thậm chí còn khen… chữ ta viết đẹp.
Chữ của ta là do Phó Yến Lễ tự tay dạy.
Hắn học ở ngự thư phòng, nét chữ luyện theo đúng các thể phái, phong nhã tinh tế.
Còn ta, suýt nữa thì phải treo đầu lên xà, chích máu trên đùi, mới rèn được đôi ba chữ cho ra hình ra dạng trong suốt hai năm.
Vậy mà vẫn bị Hứa Họa châm chọc là “trường phái chân gà”.
Hôm ấy, sắc mặt Phó Yến Lễ tối sầm lại.
Không rõ là vì chữ ta thật sự khó coi, hay là… người ta nhìn vào cũng thật đáng thương.
“Cô nương một mình rời kinh, người nhà không lo lắng gì sao?”
Người nhà… sao?
A gia mất rồi, trên đời này chỉ còn lại một mình ta.
Phó Yến Lễ tính là người nhà của ta ư?
Hay là phụ hoàng, mẫu hậu, tổ mẫu của hắn mới là người thân của ta?
Nếu là vậy, họ hẳn là… chỉ mong ta đi cho sớm.
“Ta… không còn người nhà.”
Thuyền phu tinh mắt, sống trên sông nhiều năm, từng gặp đủ hạng người.
Liếc nhìn tóc tai, y phục của ta rồi thở dài:
“Thế đạo khó khăn, làm nữ nhi lại càng gian truân… Cô nương, cớ gì phải giận dỗi mà bỏ đi?”
Lời ấy… nghe sao mà quen thuộc đến đau lòng.
“Ta chỉ cưới nàng ấy thôi, không phải vì tình nam nữ.”
“Nàng là trắc phi, còn nàng Kiến Khê mới là chính thê của ta.”
“Kiến Khê, ta muốn làm Thái tử… ta chỉ có thể cưới Hứa Họa.”
…
“Tưởng rằng con gái nhà họ Hứa chỉ có hư danh, không ngờ lại tinh thông thư họa.”
“Kiến Khê, nàng mau nhìn bức Sơn Hà đồ này đi, tiểu thư Hứa quả là người từng đọc vạn quyển sách, đi muôn dặm đường.”
“Nàng không hiểu thư họa, ta sẽ đưa bức họa này vào cung Thái hậu, chắc hẳn Hứa cô nương sẽ có nhận định sâu sắc hơn.”
“Kiến Khê, ta sẽ thành thân với nàng ấy, sẽ cho nàng ấy một đứa con. Nhưng chỉ một đứa thôi. Nàng đừng giận dỗi với ta.”
Sự kiên cường và tranh đấu của nữ nhân trên đời này, cuối cùng lại bị coi là hờn dỗi trẻ con.
Khi Phó Yến Lễ nói những lời đó với ta, chén trà trên bàn lật đổ.
Từng giọt, từng giọt nước rơi xuống váy ta.
Nóng rát đến bỏng cả một mảng lòng.
Tất cả những lời muốn nói, đều nghẹn lại nơi đầu môi, không thể thốt thành tiếng.
Từ bao giờ… những ngày này lại trở nên khó sống đến thế?
Là từ khi Thái hậu chỉ hôn ư?
Hay là từ cái ngày Phó Yến Lễ thỏa hiệp?
Hay là từ đêm qua đêm của lễ thành hôn linh đình, vạn dân cùng chúc tụng?
Ta nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng vẫn cho rằng… tất cả bắt đầu từ ngày mừng thọ Thái hậu ấy.
Hôm đó, Phó Yến Lễ và Hứa Họa cùng nhau múa kiếm vẩy mực, rồi nhất quyết bắt ta đề thơ cho bức họa.
Lúc ấy, ta đã là thê tử của Phó Yến Lễ, tất nhiên không muốn khiến hắn mất mặt.
Ta vội vã nhìn hắn cầu cứu
Nhưng hắn lại chỉ mải mê ngắm nhìn bức họa, trong mắt đầy vẻ tán thưởng.
“Ngũ hoàng tử phi nhìn ngũ hoàng tử làm gì vậy? Chẳng lẽ trên mặt chàng ấy có khắc thơ sao?”
Một câu châm chọc vang lên, khiến ta lúng túng đến nghẹn lời.
Hứa Họa giơ tay áo thêu hoa lê, che miệng cười khẽ:
“Thần nữ thì lại nhớ ra một câu thơ.
‘Mạc thượng nhân như ngọc, công tử thế vô song.’”
Tiệc yến rộn ràng những tiếng tán dương.
Kỳ thực bài thơ ấy ta cũng từng thuộc.
Nhưng vì sao từ miệng nàng ta nói ra lại trở nên hay đến thế?
Về sau ta mới hiểu ,Hứa Họa dùng thơ để ngỏ lời với Phó Yến Lễ.
Chiếc khăn tay nàng dùng hôm đó, thêu chính là hoa lê,
Mà đó là loài hoa Phó Yến Lễ yêu thích nhất.
Ngoài thư phòng của hắn, trồng đầy hoa lê trắng.
Chỉ vì tên của mẫu phi hắn… có một chữ “Lê”.
Trên xe ngựa hồi phủ, Phó Yến Lễ vẫn cầm chặt bức họa trong tay, ánh mắt chưa từng rời khỏi:
“Chỉ là làm một bài thơ thôi, có gì to tát đâu chứ.”
Ta lặng lẽ nhìn hắn, lòng thoáng dâng lên một nỗi tiếc nuối.
Phó Yến Lễ… hình như vẫn là hắn, mà cũng không còn là hắn nữa.
Hắn biết rõ ta bụng không có lấy một chữ văn chương, lại còn ép ta đề thơ, để ta rơi vào thế khó.
Hắn học cao hiểu rộng, sao lại không hiểu thâm ý trong lời thơ và chiếc khăn tay thêu hoa lê của Hứa Họa?
Nghĩ nhiều chỉ thêm mệt.
Thôi thì… đừng nghĩ nữa.