Có thêm một tướng công, đồng nghĩa có thêm một cái miệng ăn, ta càng phải nỗ lực hơn nữa xin ăn, lừa gạt, trộm cắp, móc túi… đủ thứ hạ sách, chỉ mong đủ nuôi sống hai thân phận nghèo hèn này.
Mới đầu, Trần Lãng còn kiên quyết không chịu “đồng lõa làm điều xấu” cùng ta. Nhưng về sau, bụng đói kêu vang, hắn cũng đành cúi đầu nhập hội.
Có một Trần Lãng võ công cao cường sát cánh, công việc mưu sinh của ta mỗi ngày càng “phát đạt”.
Hôm nay trộm được một con gà mang về quay, mai tóm được con thỏ mang về nướng, hôm sau lại lẻn vào chợ trộm mấy bộ quần áo cũ…
Cuộc sống nghèo rớt mồng tơi mà lại có phần khấm khá, ngày một tươi vui.
Chúng ta ăn ngon, lớn nhanh, chỉ trong chưa đầy hai năm, Trần Lãng đã cao hơn ta cả một cái đầu.
Đêm ngủ chen chúc trong túp lều tranh chật hẹp, hai đứa bắt đầu thấy không thoải mái.
Trần Lãng nói, chúng ta phải đổi sang một ngôi nhà lớn hơn.
Ta gãi đầu, việc này… hơi khó đấy, nhà đất kinh thành mắc như vàng.
Trần Lãng nói cứ giao cho hắn, lần này nhất định phải làm một vụ “lớn”.
Ta khẽ nói: “Phu quân à, chàng đừng quá cố chấp. Nếu thật sự không được thì… chúng ta còn có tấm thẻ vàng ấy mà…”
Ánh mắt hắn lập tức trừng lên, nghiêm giọng quát: “Tuyệt đối không được nhòm ngó đến tấm thẻ bài đó! Nhớ kỹ cho ta!”
“Nhớ rồi…” ta lí nhí đáp.
Hôm ấy hắn về rất muộn, trong tay cầm một viên trân châu to tròn óng ánh, đưa ra trước mặt ta lắc lư:
“Nương tử nhìn xem, dạ minh châu đấy, cực kỳ đáng giá luôn! Là ta trộm từ phủ Thái sư đương triều về đó. Phu quân của nàng lợi hại chứ?”
“Cái này… đúng là lợi hại thật nha! Tướng công, thưởng cho một cái hôn nè!”
“Haha, nương tử cũng hôn ta một cái đi!”
Chúng ta dọn vào một căn nhà mới.
Vẫn là nhà tranh, nhưng rộng rãi hơn trước, đủ chỗ đặt một cái bàn, hai cái ghế, một cái bếp và một chiếc giường.
Trần Lãng nói, viên dạ minh châu ấy, nếu muốn mua nhà to hơn cũng không khó. Nhưng dù sao cũng là vật trộm về, không thể phô trương.
Tiền dư thì giữ lại tiêu dần, sau này còn phải dưỡng con cái.
Ta thì đã rất hài lòng với căn nhà tranh ấy rồi, chỉ là có chút tò mò:
“Tướng công à, hài nhi của chúng ta… từ đâu mà đến vậy?”
Trần Lãng nghiêm túc đáp:
“Nhũ mẫu ta từng nói, nam nữ thành thân rồi, thì sẽ có con.”
“Vậy sao chúng ta vẫn chưa có?”
“Chuyện này… ta cũng đang nghĩ mãi chưa ra. Mấy năm nay vẫn thắc mắc, vì sao chúng ta vẫn chưa có con?”
“Vậy thì chờ thêm chút nữa đi. Có khi con của chúng ta… còn đang nảy mầm dưới đất ấy. Đợi đến khi chín rồi, sẽ tự rơi vào nhà mình thôi.”
“Ừm, lời nương tử rất có lý.”
3
Tại căn nhà tranh ấy, cuối cùng ta và hắn cũng được nằm trên một chiếc giường thật sự.
Hắn áp sát vào ta, thì thầm: “Nương tử à, ôm nàng như thế này… thật dễ chịu.”
Trong bóng đêm, hắn không nhìn thấy khuôn mặt ta đỏ bừng như lửa. Ta lúc ấy đã mười hai, không còn là đứa bé con nữa rồi.
Trần Lãng cũng lớn rất nhanh.
Lại một năm nữa trôi qua, hắn đã cao hơn ta hẳn một cái đầu.
Một hôm, ta đang ngủ say, thì bị tiếng thét thảm thiết khiến giật bắn người tỉnh dậy.
Tiếng kêu là của Trần Lãng.
“Aaaaa ! Nương tử! Nương tử! Nàng chảy máu rồi! Rất nhiều máu!!”
Ta còn chưa hiểu chuyện gì, liền ngồi bật dậy.
Nhìn xuống váy và ga giường, tất cả đều nhuộm một màu đỏ sẫm.
Lúc ấy, ta cũng hét lên theo.
“Aaaaa ! Tướng công! Tướng công! Ta sắp chết rồi ư? Ta… ta thật sự sắp chết rồi sao? Hu hu hu tướng công, ta không muốn bỏ lại chàng một mình đâu…”
“Nương tử… nàng đừng bỏ lại ta mà…”
Hai đứa chúng ta ôm nhau gào khóc một hồi, mãi đến khi Trần Lãng dần bình tĩnh lại.
“Nương tử, ta đưa nàng đi gặp đại phu!”
Hắn bế thốc ta lên, lao như bay về phía y quán.
Đại phu bước tới khám qua cho ta, khóe môi khẽ nhếch lên một nụ cười… đầy thần bí.
Ông ta nghiêng đầu nói với Trần Lãng: “Tiểu huynh đệ, theo ta vào trong, ta có chuyện muốn nói riêng.”
Ta ngồi ngoài, lòng thấp thỏm bất an. Trong đầu đã nghĩ sẵn mộ phần nên chọn chỗ nào, nếu thật sự chết thì chôn ta bên gốc cây hòe đầu ngõ cũng được.
Thế mà Trần Lãng khi bước ra lại chẳng chút hoảng hốt, ngược lại còn mang vẻ mặt thần bí giống hệt lão đại phu.
Hắn cõng ta về nhà. Ta áp mặt lên tấm lưng rộng rãi của hắn, chợt nhận ra tiểu nam hài ngày nào, giờ đã thật sự trưởng thành rồi.
Về đến nhà, hắn cẩn thận khép cửa, đỡ ta lên giường nằm, rồi rót cho ta một bát nước ấm.
“Nương tử, đại phu nói… đây không phải bệnh. Nàng đã đến tuổi có thể sinh con rồi.”
“M-Mật thật? Vậy chúng ta sắp có con rồi sao?!”
Hắn lại thở dài, “Không được… vẫn phải đợi thêm vài năm nữa… chờ ta lớn thêm chút nữa, mới có thể để nàng mang thai được.”
Ta chẳng hiểu rõ lắm, nhưng hắn bảo ta đợi, thì ta sẽ đợi.
Ngày lại nối ngày, Trần Lãng càng lúc càng cao lớn, giọng nói cũng trầm xuống, nơi khóe môi đã bắt đầu lún phún vài sợi râu.
Gương mặt non nớt của thiếu niên năm nào, giờ dần dần hiện lên nét cương nghị: chân mày rậm rạp, sống mũi thẳng tắp, đường viền hàm sắc lạnh, từng chút từng chút… biến thành một người đàn ông thật sự.
Một lần, ta nghe thím dâu nhà hàng xóm thì thầm: “Nam hài nhà đó, lớn lên thật tuấn tú…”
Năm ấy, là ngày hai mươi tám tháng Tư, tiết Tiểu Mãn, cũng chính là sinh thần mười bảy tuổi của ta.
Không biết Trần Lãng kiếm từ đâu về một vò rượu ngon, lại còn một lạng thịt bò. Hai ta đốt nến, cùng nâng chén rượu, nhắm với thịt, sống đời tiêu dao chẳng khác gì thần tiên nơi cõi trần.
Uống một hồi… liền say.
Ánh mắt Trần Lãng nhìn ta khi ấy… có chút kỳ lạ.
Nóng rực, hừng hực như lửa, thiêu đốt đến tận tim gan ta bối rối.
“Nương tử, đêm đã khuya rồi, chúng ta đi ngủ thôi.”
Ta vừa mới đứng dậy, hắn đã bất ngờ bế bổng ta lên.
“Nương tử, nàng đừng giận, đừng đánh ta nha.”
“Ta đánh ngươi làm gì… ê, ê, ngươi làm gì đó! Ta đánh ngươi bây giờ đấy!”
…
Sáng hôm sau, ta chẳng thèm nhìn hắn lấy một cái.
“Nương tử, nương tử…” Hắn cười hì hì, giọng lấy lòng “Đừng giận nữa mà.
Vi phu nhận lỗi với nàng! Nàng muốn gì, ta đều mua cho nàng hết!”
“Ta muốn… muốn một chiếc váy đỏ!” Ta nhớ rõ, hôm cô gái nhà hàng xóm xuất giá, cả thân khoác bộ hỉ phục đỏ thẫm, thật sự đẹp đến lịm tim.
Trần Lãng dắt ta đến tiệm vải chọn vải may váy.
Chủ tiệm vừa thấy chúng ta ăn mặc quê mùa, liền tiện tay quăng ra hai xấp vải thô đỏ xỉn, vừa cũ vừa nhăn, nhìn chẳng khác gì vải rách lau nhà, chẳng có chút sắc thái nào của hỷ phục.
Trần Lãng liền nói: “Lấy cho ta một tấm vân đoạn.”
Ta ngẩn người, chẳng biết vân đoạn là thứ gì.
Đến khi chủ tiệm mang ra một xấp vải đỏ rực như lửa, óng ánh trơn mịn, ta suýt chút nữa chói mắt đến mù.
Đẹp quá… mềm mại bóng loáng, ánh lên sắc đỏ tựa ánh chiều tà, như vật từ tiên giới rơi xuống nhân gian.
Trần Lãng hào sảng ném một túi ngân lượng lên bàn: “Dùng tấm vải này, đo người mà may riêng cho nương tử của ta một chiếc váy.”
Ta lườm hắn, trách sao lại tiêu xài phung phí như thế.
Hắn cười nói: “Tiền mà dùng để chăm lo cho nương tử, đáng lắm. Có điều… về sau phải biết tiết kiệm một chút, chờ khi có con, sẽ có nhiều khoản phải tiêu.”
Thật sao? Chúng ta… sắp có con rồi ư?
Hai ngày sau, váy đã may xong.
Ta khoác lên người, đứng dưới nắng nhẹ, xoay một vòng tròn thật duyên dáng đẹp đến mức chính ta cũng ngẩn ngơ.
Trần Lãng nhìn ta đến ngẩn ngơ, một lúc lâu mới khẽ thốt: “Nương tử, nàng có biết không?
Nàng giống như đóa mẫu đơn đỏ đang độ nở rộ là tuyệt sắc khuynh thành duy nhất trong cuộc đời ta.”
Hắn đúng là giỏi ăn nói. Mấy năm nay, chỉ cần trong tay có chút bạc dư, hắn liền tìm mua sách cũ về đọc.
Ta từng hỏi, học hành cực khổ như vậy, sau này muốn làm quan lớn ư?
Hắn ôm ta thật chặt, nhẹ giọng thề: “Nương tử, ta hứa với nàng, đời này sẽ không để nàng phải chịu khổ thêm nữa.
Những ngày tháng về sau… nhất định sẽ ngày một ngọt ngào hơn.”
Ta không rõ hắn lấy đâu ra dũng khí để nói những lời ấy, cũng chẳng biết hắn đang âm thầm tính toán điều gì.
Nhưng ta không hỏi.
Cuộc đời ta, sống được đến hôm nay, có thể như thế này… đã là một kỳ tích. Ta chẳng mong cầu điều chi xa xôi.
Ta chỉ nói: “Mình mãi mãi ở bên nhau nhé, đừng chia lìa.”
Hắn khẽ cười: “Mãi mãi là bao lâu? Mơ hồ quá, thôi định một mốc thời gian đi.”
“Đến khi ta tám mươi tuổi nhé. Chàng ở bên ta đến tám mươi tuổi.”
“Một lời đã định! Vì nương tử, ta sẽ chống đỡ đến tám mươi tuổi!”
4
Lại nửa năm nữa trôi qua, cuộc sống bình yên bắt đầu nổi lên chút gợn sóng.
Hoàng đế đương triều băng hà rồi.
Ba tháng quốc tang, khắp kinh thành cấm chợ, treo bạch kỳ, dân chúng bị cấm mặc xiêm y sặc sỡ.
Chiếc váy đỏ của ta, cũng bị cất kỹ vào hòm gỗ.
Thực ra, hoàng đế có chết hay không thì với dân đen như chúng ta chẳng khác gì. Ai ngồi trên ngai vàng, cuộc sống của bọn ta vẫn là một chữ khổ.
Nhưng Trần Lãng lại càng lúc càng trầm mặc.
Đêm đêm, ta thường giật mình tỉnh giấc, liền thấy hắn ngồi một mình bên bàn, trầm tư không nói, lông mày nhíu chặt, ánh mắt u tối, hoàn toàn không giống một thiếu niên vô ưu vô lo.
Hắn phát hiện ta đang dòm trộm, nét mặt thoáng mềm lại, nói khẽ: “Nương tử, chưa ngủ à?”