5

Lúc tôi tỉnh lại, trời đã xế chiều, gần sáu giờ.

Hứa Diệu vừa đẩy cửa bước vào ký túc xá từ bên ngoài.

Thấy tôi tỉnh lại, Hứa Diệu chỉ vào cái bàn của tôi:

“Đừng lo, tớ đã xin nghỉ giúp cậu rồi. Kìa, bánh ngô của cậu đây.”

“Cậu nói ngất là ngất thật, nếu không nhờ dì căng-tin chạy qua giúp một tay, chắc tớ kéo không nổi cậu đâu.”

Tôi cười gượng gạo.

Chắc là do mấy hôm nay ăn uống quá đạm bạc nên mới ra nông nỗi đó.

Tôi nhận ra cứ tiếp tục thế này thì không ổn chút nào, nhất định phải kiếm được ít tiền mới được.

Nhưng mà trong trường thì biết làm việc gì bây giờ?

Trường thì làm gì có tiệm trà sữa để tôi lắc trà kiếm sống…

Không ngờ tối hôm đó, “công việc” lại đến thật.

Trong giờ tự học buổi tối, giáo viên bất ngờ kiểm tra bài tập.

Kết quả phát hiện hơn nửa lớp chưa làm bài.

Tức quá, cô quyết định phạt: mỗi người phải chép mười lăm lần từ vựng tiếng Anh trong bài học hôm đó.

Chiều hôm sau sẽ kiểm tra.

Tan tiết, cả lớp rên rỉ kêu trời.

Hứa Diệu ngồi ngay bàn bên cạnh tôi.

Cô ấy úp mặt xuống bàn, thở dài thườn thượt:

“Có nhầm không vậy trời, chép mười lăm lần chắc tay tớ tàn luôn quá…”

Tôi thì đã làm bài tập từ trước, không cần bị phạt.

Nghĩ tới chuyện hồi trưa cô ấy giúp tôi, tôi liền bước đến cạnh bàn cô ấy, nhẹ nhàng chọt vào tay cô một cái:

“Hay là… để tớ chép giúp cậu nhé?”

Hứa Diệu ngẩng đầu lên, vui mừng hỏi:

“Cậu thật sự muốn chép giúp tớ hả?”

Giọng cô ấy khá to, khiến mấy người xung quanh đều ngoái lại nhìn.

Chẳng mấy chốc, mọi người ùn ùn kéo tới.

“An Duyệt, tụi mình cũng là bạn học mà, đúng không?”

“Cầu xin cậu chép giúp!”

Thấy tình hình như thế,tôi bỗng nảy ra một ý tưởng.

Tôi âm thầm lấy hết can đảm, đáp lại:

“Chép thì chép được thôi.”

“Nhưng mà… tớ tính phí đó. Một phần… năm tệ, được chứ?”

Ban đầu tôi còn lo liệu giá vậy có cao quá không.

Không ngờ người xung quanh lại càng kéo đến đông hơn.

6

“Tớ tới trước, tớ tới trước nha!”

“Đừng ai tranh với tớ, năm tệ cho hai nghìn từ vựng, còn được thảnh thơi cả buổi tối, thế này quá hời rồi còn gì!”

Trước mặt tôi, cả một đám người chen chúc đến mức không còn chỗ đứng.

Hứa Diệu bị kẹt giữa đám đông, sốt ruột túm lấy tay áo tôi:

“Nhớ giữ lời đấy nhé!”

Một lúc thì tôi cũng không thể chép nổi quá nhiều.

Đành phải tạm nhận ba, bốn đơn, cộng thêm cả phần của Hứa Diệu.

Sau giờ tự học buổi tối, tôi ôm cái ghế ra ban công ký túc xá, bật đèn lên và bắt đầu “chiến đấu suốt đêm”.

May mà ký túc xá chỉ còn tôi và Hứa Diệu ở, hai người còn lại vì không quen môi trường đã chuyển đi từ trước.

Hứa Diệu ngủ thì luôn đeo bịt mắt, nên tôi cũng chẳng sợ làm phiền ai.

Tôi cầm hai cây bút một lúc, điên cuồng cắm đầu vào chép.

Chỉ mong các “khách hàng” thấy được sự chăm chỉ và nét chữ nắn nót của tôi.

Nhớ để lại đánh giá tốt, lần sau còn quay lại nhé.

Vội vội vàng vàng.

Cuối cùng, trước giờ học chiều hôm sau, tôi mang đôi mắt thâm đen như gấu trúc đưa đống bài phạt cho các bạn.

Đồng thời, cũng lần lượt nhận được từ tay họ những tờ tiền năm tệ lấp lánh ánh hy vọng.

Tôi nhét gọn hai mươi tệ vào túi, rồi ngủ say sưa cả buổi chiều trên lớp.

Trong mơ, tôi thấy mình đã trở thành một tỷ phú trăm tỷ.

Tỉnh lại lần nữa,là vì có bạn học gõ bàn tôi, hỏi tôi có còn nhận chép hộ nữa không.

Tôi giật mình một cái.

Những tờ tiền trăm tệ trong giấc mơ đếm đến tê tay,

tỉnh ra lại chỉ là con số năm màu tím nhàn nhạt của đời thực.

Tôi lặng lẽ nhận lấy tờ năm tệ ấy, nói nhỏ:

“Yên tâm, dịch vụ đảm bảo hài lòng.”

Vừa chép, tôi vừa nghĩ:

Bây giờ là giai đoạn tích lũy vốn nguyên thủy.

Mà tôi đang chép lại là tiếng Anh.

Lại càng đúng khẩu vị.

Xem ra tương lai tôi sẽ bước lên sân khấu quốc tế rồi.

7

Trong tuần ở trường ấy, tôi tích góp được năm mươi tệ “vốn nguyên thủy”.

Nhưng tôi quyết định dừng lại.

Lý do là gì à?

Tôi có cảm giác còn chưa kịp cầm được nhiều tiền, thì độ cận thị của tôi đã tăng vọt rồi.

Thế nên công việc chép thuê của tôi tạm thời kết thúc ở đó.

Sau này, thỉnh thoảng vẫn có bạn học đến hỏi tôi có còn nhận chép hộ không.

Tôi bắt đầu học cách lấy lý do “không đủ thời gian” để từ chối.

Tất nhiên, nếu giá đủ cao… thì lại là chuyện khác.

Cuối cùng cũng gắng gượng đến kỳ nghỉ, mọi người đều đã về hết.

Chỉ có tôi là vẫn chưa rời trường.

Tôi vẫn canh cánh nhớ đến mấy bát cháo miễn phí trong căng-tin.

Đồ không mất tiền, không lấy thì phí.

Dì căng-tin liếc nhìn dãy bàn ghế trống rỗng phía sau lưng tôi.

Cuối cùng chẳng nói gì cả, chỉ lặng lẽ múc thêm cho tôi một muỗng sốt thịt đầy đáy bát.

Tôi vừa ăn vừa cảm động đến rớt nước mắt.

Mẹ nó chứ, cuối cùng cũng được ăn thịt rồi!

Ăn uống no nê xong,tôi kéo hành lý lên xe trở về nhà.

Số dư năm mươi tệ trong tài khoản cũng theo cú đặt xe mà giảm còn hai mươi lăm.

Vừa mở cửa bước vào, tôi đi một vòng quanh nhà.

Phát hiện bố tôi đã dọn hết sạch đống mô hình trong phòng sách mang đi rồi.

Tủ quần áo và giá túi xách trong phòng thay đồ của mẹ tôi giờ chỉ còn lại bụi phủ mờ.

Phòng trẻ con của em trai và em gái tôi thậm chí… cả cái giường cũng bị tháo mang đi.

Chỉ có mỗi phòng của tôi là vẫn giữ nguyên như cũ.

Xem ra đúng là ly hôn thật rồi.

Ôi chao, sao cái gì cũng nhớ mang theo…

Sao lại quên mang theo mình tôi chứ!

May mà người bị bỏ lại là tôi – đứa lớn nhất nhà.

Nếu là hai đứa nhỏ kia, tôi thật chẳng dám tưởng tượng cảnh chúng bị bỏ lại thì sống kiểu gì.

Thôi bỏ đi.

Ba mẹ tôi đâu phải lần đầu làm ra chuyện kiểu này.

Hồi nhỏ, khi chưa có em trai em gái, họ thường xuyên ra ngoài du lịch,bỏ tôi lại ở nhà tự lo chuyện đi học, ăn uống.

Thỉnh thoảng, họ còn quên cả chuyện để lại tiền cho tôi.

Đến khi bà ngoại biết chuyện mà vội vàng chạy đến,thì từ một đứa chẳng biết nấu nướng gì, tôi đã có thể nấu được bữa cơm… ăn tạm được rồi.

8

Lúc bà ngoại đẩy cửa bước vào,tôi đang đứng trên ghế, rắc bột lên thớt, đập trứng chuẩn bị tự nấu một bát mì mừng sinh nhật cho mình.

Quay đầu lại thấy bà, tôi vui mừng hớn hở gọi:

“Bà ngoại!”

“Ôi trời ơi!”

Bà vội vàng bế tôi từ trên ghế xuống, đầy xót xa.

Rồi dỗ tôi ra phòng khách ngồi xem tivi.

Tôi nghe thấy bà gọi điện, mắng ba mẹ tôi một trận té tát.

Cuối cùng bà thật sự tức giận, lớn tiếng nói:

“Nếu tháng sau còn không về, tôi cắt luôn khoản tiền gửi cho hai đứa đấy!”

Vì sao bà lại nói vậy?

Thật ra ba tôi là một người họa sĩ.

Nhưng ông không chịu ra ngoài làm việc.

Ông từng nói với tôi rằng: trên đời này chẳng ai có thể hiểu được giá trị thực sự trong tranh của ông.

Sau này, lại một lần nữa ba mẹ cãi nhau.

Mẹ tôi cười lạnh với tôi, nói:

“Ba mày lừa mày đấy. Không kiếm được tiền là vì ông ta tự cho mình thanh cao, không thèm nhận đơn đặt vẽ. Thực ra tranh ông ta vẽ cũng chẳng đẹp đẽ gì.”

Hồi còn trẻ, mẹ tôi chính là bị cái vẻ “nghệ sĩ có cốt cách” ấy của ba tôi lừa cho xiêu lòng.

Hai người ấy từng ngồi lại nói với nhau về lý tưởng, về tương lai.

Khi đó mẹ tôi đâu biết rằng, cốt cách khí khái thì không thể mang ra đổi lấy bữa cơm.

Đến lúc nhận ra, thì họ đã sống với nhau trong cảnh “gượng gạo chịu đựng” như vậy rồi.

Ba mẹ tôi thường xuyên hạ thấp đối phương trước mặt tôi.

Nhưng rồi vẫn yêu nhau đến sống chết quay cuồng.

Mẹ tôi là một beauty blogger chuyên review mỹ phẩm, nhưng tiền mua thì luôn nhiều hơn tiền kiếm được.

Thế nên nhà tôi… chẳng khá giả là bao.

Tháng nào cũng phải dựa vào tiền bà ngoại chu cấp mới xoay xở nổi.

Sau cuộc điện thoại ấy, bà quay lại nhìn tôi, trong mắt đầy day dứt và áy náy:

“Xin lỗi con nhé, ngoan của bà. Lúc còn trẻ, bà cưng chiều mẹ con quá, giờ đến cả con cũng bị bỏ bê.”

“Không sao mà, có bà ngoại bên cạnh là đủ rồi!”

Tôi nhào tới ôm chầm lấy bà.

Bị cắt đứt nguồn kinh phí du lịch, ba mẹ tôi chẳng còn cách nào khác, đành ngoan ngoãn quay về ngay trong ngày hôm đó.

Nhờ có bà ngoại, tôi đã có một sinh nhật thật vui vẻ.

Tôi thổi nến và ước rằng: ba mẹ sẽ luôn ở nhà.

Và bà ngoại cũng sẽ mãi mãi ở bên tôi.