Vợ chồng nhà hàng xóm qua đời, con gái họ trở thành trẻ mồ côi.
Tôi không đành lòng, liền đưa con bé về nuôi dưỡng.

Lúc đầu, nó lễ phép và biết điều.
Nhưng càng về sau, lại càng lấn lướt và vô lý.

Hễ tôi mua gì cho con gái mình, thì nó cũng đòi mua cái tốt hơn.
Khi con gái tôi lên cấp hai, tôi mua cho con bé một chiếc xe điện.
Đứa con nuôi kia thì lăn lộn ăn vạ, bắt tôi phải mua cho nó chiếc xe điện trị giá hơn chục triệu.

Tôi không đồng ý, nó liền kéo bè kết phái trong trường để cô lập con gái tôi,
thậm chí còn tung tin đồn nhảm nhí, bịa chuyện dơ bẩn để bôi nhọ con bé.

Dưới sự bắt nạt của nó, con gái tôi mắc chứng trầm cảm.
Sau khi phát hiện ra, tôi tức giận đến mức đuổi thẳng đứa con nuôi ra khỏi nhà, cắt đứt quan hệ với nó.

Con bé điên tiết.
Lợi dụng lúc không có ai, nó đẩy con gái tôi xuống sông:
“Không có mày thì mẹ mày đã không thiên vị như vậy!
Nhà này chỉ cần một đứa con gái là tao, mày đi chết đi!”

Khu vực đó không có camera giám sát, tôi không tìm được chứng cứ chứng minh nó giết người.
Sau cú sốc mất con, tôi sống trong u uất, chẳng bao lâu sau cũng qua đời.

Đến khi mở mắt ra lần nữa, tôi bàng hoàng phát hiện mình đã quay lại đúng ngày mà vợ chồng nhà hàng xóm vừa mới qua đời.

1

Trong tiếng ồn ào hỗn loạn, tôi chậm rãi mở mắt ra.
Nhận ra âm thanh phát ra từ ngoài cửa, tôi khó nhọc ngồi dậy, bước tới mở cửa.

Cửa nhà hàng xóm đối diện đang mở toang, trước cửa có không ít người đang ngồi, tụm ba tụm bảy  người thì đốt vàng mã, người thì trò chuyện.
Con gái nhà hàng xóm, tên là Lý Mộng Nhiên, lúc này trông chỉ chừng năm sáu tuổi.
Nhỏ thó như một mầm đậu, đang ngồi chồm hỗm trong góc, cúi đầu đốt giấy.

Tôi mở cửa, thò đầu ra nhìn xuống dưới.
Hành lang đầy những vòng hoa trắng.
Đúng lúc có người từ ngoài bước vào, dưới lầu vang lên tiếng kèn tang u la u la kéo dài bi ai.

Lúc này tôi mới chợt nhận ra —mình đã trọng sinh rồi!
Hơn nữa, còn trọng sinh đúng vào ngày mà vợ chồng nhà hàng xóm vừa qua đời!

Ở kiếp trước, hai vợ chồng đối diện bị tai nạn xe hơi.
Cả hai mất mạng, để lại cô con gái tám tuổi là Lý Mộng Nhiên không ai nuôi nấng.

Vì từ khi họ chuyển đến đây, hai nhà chúng tôi sống thân thiết như chị em.
Hai đứa trẻ cùng nhau lớn lên, thân thiết như ruột thịt, suốt ngày quấn quýt không rời.

Sau khi vợ chồng nhà hàng xóm qua đời, ông bà nội bên đó vốn trọng nam khinh nữ, không chịu nuôi dưỡng Lý Mộng Nhiên.
Còn con gái tôi Vương Hoan Hoan  từ nhỏ đã nhút nhát, ít nói, mà Lý Mộng Nhiên gần như là người bạn duy nhất của con bé.

Hiểu rõ tình hình, tôi đã đưa ra một quyết định táo bạo:
Đón Lý Mộng Nhiên về, nuôi dưỡng bên cạnh mình!

Tôi tự cho rằng mình đã làm tròn bổn phận của một người mẹ, không thiên vị bên nào.
Có gì cho con gái Vương Hoan Hoan, thì Lý Mộng Nhiên cũng sẽ không thiếu.

Lý Mộng Nhiên mất cha mẹ từ nhỏ, tâm tư cũng sâu sắc hơn một chút.
Ví dụ như mỗi lần đưa các con đi học, con bé luôn chen tới bên tôi, một tay ôm lấy tôi, tay kia thì níu chặt lấy chồng tôi.
Nhìn qua cứ như thể ba người chúng tôi mới là một gia đình thực sự.

Còn Vương Hoan Hoan thì chỉ biết lặng lẽ đi theo phía sau với ánh mắt đầy hụt hẫng.

Tôi nghĩ, chắc Lý Mộng Nhiên chỉ là thiếu tình thương, muốn cảm nhận chút ấm áp của một gia đình ba người, nên cũng không để tâm, cứ để con bé như vậy.

Năm các con học lớp ba, tôi mua cho cả hai một bàn học mới.
Vương Hoan Hoan rất thích.
Nhưng Lý Mộng Nhiên thì lại dở tính, không chịu dùng, vẫn mỗi ngày nằm bò trên bàn ăn để làm bài tập.

Tôi gặng hỏi lý do.
Con bé lại nói, trong lòng nó, cái bàn đó là tôi mua cho Vương Hoan Hoan dùng.
Bảo nó cùng dùng chỉ là tiện thể mà cho dùng ké, chứ bàn học đó vẫn thuộc về Vương Hoan Hoan.

Nghe vậy, tôi chua xót thay cho hoàn cảnh mất cha mẹ của nó, nghĩ rằng con bé nhạy cảm hơn người cũng là điều dễ hiểu.
Thế là tôi lại mua riêng cho nó một chiếc bàn học khác.

Nhưng sự yên ổn chẳng kéo dài được bao lâu, chưa mấy tháng sau, nó lại đưa ra một yêu cầu mới  muốn cho Vương Hoan Hoan chuyển sang phòng làm việc mà ở.

Nhà tôi có ba phòng ngủ một phòng khách.
Hai phòng lớn hướng Nam, một phòng làm việc nhỏ hướng Bắc.
Phòng làm việc là nơi hai đứa làm bài tập.

Hai phòng lớn, tôi và chồng ở một phòng.
Phòng còn lại, tôi đặt một chiếc giường tầng, để hai đứa ngủ chung.
Để công bằng, tôi còn quy định mỗi tuần đổi vị trí giường trên giường dưới một lần.

Lúc này, Lý Mộng Nhiên lại nói không muốn ngủ chung với Hoan Hoan nữa:
“Con bé cứ nhìn lén con làm bài, con đang suy nghĩ thì nó cứ làm phiền mãi.”

“Trước đó, nó còn lén đọc nhật ký của con, buổi tối thì ngáy rất to, khiến con không ngủ nổi. Con không muốn ở chung phòng với nó nữa.”

Thành tích của Vương Hoan Hoan không bằng Lý Mộng Nhiên — chuyện này tôi biết rõ.
Vì thế, những lời Lý Mộng Nhiên nói, tôi tin không chút nghi ngờ.

Nhưng dù sao Vương Hoan Hoan cũng là con gái ruột của tôi, tôi không thể để con bé dọn sang phòng làm việc nhỏ kia.
Vì vậy, tôi bàn bạc với chồng, quyết định chia đều hai phòng ngủ lớn hướng Nam cho hai đứa: mỗi đứa một phòng.
Còn tôi và chồng thì chuyển sang ở căn phòng làm việc nhỏ hướng Bắc.

Chuyện này cuối cùng cũng tạm thời khép lại.

2

Sau đó, tôi nhờ người quen sắp xếp để cả hai cùng vào một ngôi trường cấp hai.
Do đoạn đường từ cổng trường đến lớp là một con dốc, nên tôi mua cho mỗi đứa một chiếc xe điện.
Đều là loại cơ bản, giá hơn một triệu một chiếc.

Chưa đầy một tháng sau khi nhập học, chiếc xe của Vương Hoan Hoan đã bị trộm.
Tôi cùng con đến trường để kiểm tra camera an ninh.
Kết quả là bị một tên tóc vàng bẻ khóa, phóng xe đi mất.

Camera chỉ ghi lại được bóng lưng của tên tóc vàng, mà quanh đây lại có không ít trường nghề, học sinh tóc nhuộm vàng thì quá nhiều, hoàn toàn không thể xác định là ai.
Cho dù có tìm được, khả năng đòi lại xe cũng rất thấp.
Dù sao xe cũng không phải quá đắt tiền, nên tôi quyết định không tiếp tục truy cứu nữa.

Tôi mua lại cho Vương Hoan Hoan một chiếc xe điện mới, với màu sắc phiên bản mới nhất.

Ngay lập tức, Lý Mộng Nhiên lại tỏ vẻ không vui.
Cô bé yêu cầu tôi mua cho mình một chiếc xe điện cao cấp hơn, giá lên tới hơn chục triệu.

Trước giờ con bé đòi gì, tôi gần như đều đồng ý.
Nhưng lần này, tôi từ chối.

Dù sao xe của con bé cũng chỉ mới mua được một tháng, chức năng hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu, màu sắc cũng là do chính con bé chọn lúc đó.

Lúc ấy, Lý Mộng Nhiên không nói gì, chỉ mang gương mặt khó chịu rồi bỏ ra ngoài.

Hai ngày sau, nó quay lại nói với tôi rằng: xe điện của nó cũng bị cướp rồi.

Tôi đương nhiên không tin.
Tôi kéo con bé đi xem camera an ninh.

Trên màn hình, rõ ràng thấy nó tự lái xe đến một góc khuất không có camera.
Đến khi từ con hẻm đó quay ra, thì chiếc xe đã “không cánh mà bay”.

Lý Mộng Nhiên một mực khăng khăng nói rằng, cô bé có hẹn với một chị gái quen qua mạng, đến con hẻm kia để trao đổi thẻ ảnh mini.
Kết quả là vừa mới đi vào hẻm thì bị cướp mất xe.
Còn về diện mạo của “tên cướp”, con bé nói do quá sợ hãi nên không nhớ được gì cả.

Lời giải thích nghe qua thì có vẻ hợp lý.
Nhưng trong tai tôi, tất cả chẳng qua chỉ là cái cớ của một cô bé đang tìm cách để được đổi sang chiếc xe điện mới mà thôi.

Dù vậy, xe điện thì vẫn phải có để đi học, thế là tôi quyết định sẽ đưa con bé đi mua lại một chiếc khác.

Nhưng ngay trước khi đi, Hoan Hoan kéo tôi ra một góc và nói nhỏ:
Thật ra Lý Mộng Nhiên đã bán chiếc xe điện đó cho một học sinh lớp lớn trong trường, chỉ với giá hai trăm tệ.

Tôi vỗ nhẹ lên vai Vương Hoan Hoan, nói:
“Thôi bỏ đi, mẹ sẽ mua cho nó một cái khác, tương đương với cái của con.
Nếu lần này nó còn làm mất nữa, mẹ sẽ không mua nữa.”

Nói dứt lời, hai mẹ con tôi bước ra khỏi góc phòng —
Liền nhìn thấy Lý Mộng Nhiên đang đứng ngay góc hành lang.

Cô bé cúi đầu, ánh mắt lạnh lẽo độc địa nhìn chằm chằm về phía chỗ Hoan Hoan vừa đứng.
Ánh nhìn ấy vô cùng xa lạ, như thể ngấm đầy độc tố.

Tôi vô thức rùng mình một cái.
Lý Mộng Nhiên nhận ra ánh mắt của tôi, lập tức đổi ngay nét mặt, nghiêng đầu, nở nụ cười ngọt ngào với chúng tôi:
“Dì với chị đang nói chuyện ạ? Con vừa mới đi ngang qua thôi.”

Tôi gật đầu, giả như không có chuyện gì xảy ra, dẫn con bé đi mua xe điện.