Anh ta liếc nhìn bộ đồ ngủ trên người tôi, rồi nói:
“Xin lỗi, đã làm phiền.”
Tôi lắc đầu:
“Không sao, có chuyện gì vậy?”
“Là thế này,” cảnh sát Tôn nói,
“Chúng tôi phát hiện một vật trên thi thể, muốn nhờ cô xác nhận giúp.”
Vừa nói, anh ta vừa đưa cho tôi một cuốn sổ nhỏ màu xanh lục.
Tôi đón lấy — là một chiếc thẻ học sinh.
Thời gian đã làm nó cũ nát, bìa ngoài rách tươm, bạc màu,
nhưng vẫn có thể nhìn rõ sáu chữ lớn: “Trường Trung học Phổ thông Thạch Hoè.”
Một dự cảm chẳng lành lập tức ập đến.
Vừa mở ra, một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng khiến tôi đứng sững tại chỗ.
Trên tờ giấy trắng là gương mặt thiếu niên ngạo nghễ của Văn Tranh.
Dù ảnh đã bị hoen ố theo năm tháng, nhưng vẫn không thể che giấu được sự tự tin và khí chất của cậu ta.
Hình ảnh ấy… trùng khớp với gương mặt bê bết máu của cậu ta trong giấc mơ đêm qua.
Tôi run giọng hỏi:
“Thứ này… các anh tìm thấy ở đâu?”
6
“Trên người bộ hài cốt tìm được hôm qua.”
“Không thể nào!”
Tôi vô thức thốt lên, rồi nhận ra mình đã quá lộ liễu, liền vội vàng chữa lại:
“Tôi… tôi tận mắt thấy cậu ấy rời khỏi nhà tôi hôm đó mà, sao lại chết ở đó được chứ?!”
“Nhưng hôm qua chính cô đã nói thi thể đó không phải cậu ta.”
Tôi hoảng hốt lùi về sau vài bước.
“Cảnh sát à, chẳng lẽ anh nghi ngờ tôi đã giết cậu ấy sao?”
Tôi cố giữ bình tĩnh hỏi.
Cảnh sát Tôn lắc đầu:
“Thi thể không phải của cậu ta. Hôm nay chúng tôi đến là muốn cô kể thêm về chuyện xảy ra đêm hôm đó.”
Thi thể không phải là Văn Tranh, nhưng họ lại muốn điều tra thêm về Văn Tranh…
Tôi chợt bừng tỉnh: Họ không nghi tôi giết Văn Tranh.
Họ đang nghi ngờ tôi cùng Văn Tranh giết người,
hoặc tôi đã tận mắt thấy Văn Tranh giết người, sau đó bao che cho cậu ta.
Suy luận đó… cũng không phải không có lý.
Dù gì thì chiếc thẻ học sinh của Văn Tranh cũng là một chứng cứ vật lý có mặt trên thi thể.
Nhưng… làm sao họ có thể chắc chắn bộ hài cốt đó không phải là Văn Tranh?
Cảnh sát Tôn có lẽ đoán được tôi đang nghĩ gì, liền lên tiếng:
“Bộ xương đó thuộc về một người khoảng trên 50 tuổi.”
Trên 50 tuổi?
Tôi còn chưa kịp tiêu hóa hết thông tin thì cảnh sát Tôn lại hỏi tiếp:
“Vậy… người cuối cùng gặp Văn Tranh trước khi cậu ta rời đi, là cô đúng không?”
Khi nói câu đó, ánh mắt anh ta sắc bén như chim ưng, nhìn tôi chằm chằm đầy dò xét.
Ánh nhìn này… tôi từng gặp rồi.
Mười năm trước, vị cảnh sát già điều tra vụ mất tích của Văn Tranh cũng từng nhìn tôi như thế.
Một ánh nhìn đầy nghi ngờ.
Người cuối cùng gặp Văn Tranh là tôi.
Thi thể lại được phát hiện trong sân nhà tôi.
Trên người xác chết… lại có vật thuộc về Văn Tranh.
Từng chi tiết như một chiếc lưới siết dần quanh cổ tôi.
Chuyện trong đó thế nào, không nói cũng rõ.
Dưới ánh mắt soi xét của hai viên cảnh sát, tôi chậm rãi gật đầu.
Cảnh sát Tôn nói:
“Vậy phiền cô kể lại thật chi tiết mọi chuyện đã xảy ra trong đêm đó.”
Tôi cầm điếu thuốc trên bàn lên:
“Không ngại chứ?”
Sau khi thấy đối phương gật đầu đồng ý, tôi khẽ cười chua chát rồi cất tiếng:
“Tối đó cậu ta đến tìm tôi, không phải để chào tạm biệt, mà là… đòi nợ.”
“Chắc các anh cũng biết rồi — tôi suýt nữa đã trở thành mẹ kế của Văn Tranh.”
Câu nói vừa dứt, hai người đối diện liền theo phản xạ nhìn nhau.
Có vẻ… họ đã đọc kỹ hồ sơ vụ việc năm xưa.
7
Khói thuốc lượn lờ nơi đầu ngón tay, đưa tôi trở về ký ức của mười năm trước.
Nhà Văn Tranh từng là hộ giàu nhất trong làng tôi.
Cha mẹ cậu ấy là những người đầu tiên trong vùng vào Nam làm ăn, kiếm được khá nhiều tiền.
Do bận bịu mưu sinh, họ gửi cậu về sống với bà nội tôi từ nhỏ.
Tôi và Văn Tranh cùng ăn, cùng ngủ, cùng đến trường.
Từ năm năm tuổi đến mười bảy tuổi.
Suốt mười hai năm, tôi đều là người bên cạnh cậu ấy vào mỗi dịp sinh nhật.
Tôi tận mắt chứng kiến một đứa trẻ nước mũi tèm lem, lớn lên thành một chàng trai cao hơn mét tám.
Trong suốt những năm đó, cha mẹ Văn Tranh mỗi năm chỉ về nhà một hai lần.
Lúc đầu là cả hai cùng về, rồi dần dần thành người này về, người kia không,
đến cuối cùng, mỗi lần cha Văn Tranh trở về đều dẫn theo một cô gái khác.
Từ những lời đàm tiếu của dân làng, tôi biết được rằng:cha cậu ấy sau khi kiếm được tiền đã nuôi bồ nhí bên ngoài.
Mẹ cậu, không chịu nổi cú sốc ấy, cuối cùng đã tự sát.
Văn Tranh bị cú sốc này đánh gục hoàn toàn.
Thành tích học tập tuột dốc thảm hại, suốt ngày tụ tập với đám thanh niên bỏ học, đầu đường xó chợ.
Giáo viên không ít lần gọi phụ huynh.
Nhưng bà nội đã già, đâu hiểu mấy chuyện này, lần nào cũng là tôi đến.
Tôi nói mình là chị gái của Văn Tranh, cam đoan với giáo viên là sẽ khiến cậu ấy quay đầu.
Tôi bắt đầu cuộc chiến “đấu trí đấu lực” với cậu ta:
đến quán net lôi cổ về,
dẫn cả công an đến nơi cậu ta đánh nhau,
kiểm soát tiền tiêu vặt, can thiệp vào từng ngóc ngách cuộc sống.
Nhưng tất cả những điều đó không khiến cậu ta thay đổi, mà ngược lại — khiến cậu ta bắt đầu chán ghét tôi.
Chúng tôi như hai đường thẳng từng giao nhau, nhưng rồi ngày càng rẽ xa.
Sợ cậu ấy cứ như vậy sẽ không thi nổi đại học,
tôi đã tự ý gọi điện cho cha của Văn Tranh.
Tôi cầu xin ông ta về gặp cậu ấy một lần.
Không ngờ rằng chính cuộc điện thoại ấy… đã chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ giữa tôi và Văn Tranh.
8
Ngay hôm sau khi nhận được cuộc gọi, cha Văn Tranh lập tức trở về.
Vừa gặp nhau chưa nói được mấy câu, hai cha con đã cãi vã dữ dội.
Cuối cùng, Văn Tranh cầm dao đuổi cha mình chạy khắp mấy con phố.
Cha của Văn Tranh lập tức đặt vé rời đi.
Trước lúc đi, bố tôi đã mời ông ta một bữa cơm tiễn biệt tại nhà.
Hai người đóng cửa, từ tối uống rượu đến sáng — chẳng ai biết họ đã nói những gì.
Sáng hôm sau, bố tôi thu dọn hành lý rồi đi theo cha Văn Tranh.
Thậm chí, còn mang theo toàn bộ số tiền tiết kiệm cuối cùng trong nhà.
Văn Tranh sau khi biết chuyện, không nói một lời,
liền đưa toàn bộ số tiền cha cậu ấy để lại cho bà nội, bảo là để sinh hoạt.
Tôi hiểu rõ —
cậu ấy sợ tôi không có tiền ăn, không có tiền mua sách ôn thi.