Lần nào cô ta cũng đem mấy chuyện đó ra hù dọa cả nhà.

Bởi vì so với chút ấm ức, thì phần lớn người ta sẽ chọn nhẫn nhịn để giữ gìn những thứ đã bỏ tiền ra mua.

Sau lần đó, tôi rút kinh nghiệm, mua thêm kẹo với socola, cất đầy mấy ngăn kéo trong nhà, đề phòng tụt đường huyết thì có cái mà ăn.

Thế nhưng, sáng hôm sau, tôi mở ngăn kéo ra lấy kẹo thì phát hiện – chẳng còn một viên nào.

Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, bèn lén mở camera an ninh ra xem.

Trên màn hình, con dâu tôi đang thản nhiên vứt hết đống kẹo và sôcôla vào thùng rác.

Thấy cảnh đó, tay chân tôi run rẩy.

Tôi tự hỏi bản thân có phải mình là một bà mẹ chồng tồi không.

Từ ngày cô ấy bước chân vào nhà, tôi luôn cố gắng hết sức, góp tiền góp công để giúp đỡ vợ chồng chúng nó.

Vì ai cũng nói mẹ chồng – nàng dâu là khắc tinh của nhau, nên tôi lại càng cố nhún nhường, cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói.

Cháu gái, cháu trai, đều là một tay tôi chăm bẵm từ nhỏ.

 Ăn uống, ngủ nghỉ, tắm rửa, tất tật đều do tôi lo.

Linh Tuyết thì mới đi làm từ đầu năm nay, chứ trước đó suốt ngày ở nhà chơi.

Trưa ngủ đến khi nào tỉnh thì dậy, chiều lại hẹn bạn bè đi dạo phố, làm đẹp, làm móng.

Cô ấy tuy đã kết hôn nhiều năm, nhưng sống chẳng khác gì một cô gái độc thân vô lo vô nghĩ, lúc nào cũng rạng rỡ, thảnh thơi.

Tay không bao giờ đụng đến nước lạnh, vậy mà tôi chưa từng phàn nàn lấy một lời.

Chồng tôi – Hách Quý – làm bảo vệ, lương tháng có 2.500 tệ, vậy mà tháng nào cũng đưa cho Linh Tuyết 2.300 làm tiền tiêu vặt.

Dù là tiền bạc hay sức lực, vợ chồng tôi đều dốc hết lòng mà lo cho vợ chồng chúng nó.

Thế mà giờ đây, tôi thấy lạnh lẽo cả lòng.

Tối hôm đó, Hách Quý đi làm về, tôi nói với ông ấy:

 “Ông à, hay là vợ chồng mình về quê sống đi. Ở chung mà cứ cãi vã suốt, con trai cũng khó xử.”

Hách Quý thở dài, mặt mày rầu rĩ:

 “Bà đúng là không biết suy nghĩ. Bây giờ mà bỏ về thì thiên hạ nó cười cho thối mặt.”

 “Giờ nhà nào mà chẳng có ông bà ở lại trông cháu?”

 “Bà không trông cháu cho nó, sau này về già, tụi nó cũng mặc kệ bà thôi, đến lúc đó hối hận thì muộn rồi!”

Con dâu mỗi lần không vui lại nói móc:

 “Người già thì phải có dáng vẻ của người già, biết phụ giúp, sau này mới có chỗ nương tựa lúc tuổi già.”

Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con trai là Hách Bình, nên chuyện dưỡng già sau này cũng chỉ trông vào nó.

Hách Quý không đồng ý chuyện về quê, còn dặn tôi bớt nói nhiều, làm nhiều lên.

Chưa được bao lâu thì Linh Tuyết nghỉ việc ở công ty.

Lúc đó, bên nhà mẹ đẻ tôi có việc vui – cháu trai bên ngoại sinh được quý tử, tôi muốn về nhà mừng lễ.

Tôi nói chuyện với Linh Tuyết:

 “Ngày mai mẹ đi một hôm thôi, không lâu đâu, sáng đi chiều về.”

Cô ấy tỏ vẻ không hài lòng:

 “Mẹ à, không phải con vô lý, đúng ra thì mẹ nên về dự lễ, dù sao cũng là cháu ruột bên ngoại.”

“Nhưng từ nhỏ đến giờ, nhóc thứ hai đều do mẹ chăm, nó không chịu con đâu. Đại bảo thì còn phải đưa đón đi học, một mình con lo sao xuể, mẹ đừng đi nữa.”

Bình thường tôi hay nhún nhường cô ấy, nhưng đây là chuyện lễ nghĩa qua lại, lại còn là cháu ruột của mình, nếu không đi thì không phải phép.

Tôi cố gắng thuyết phục:
“Linh Tuyết, chuyện này không thể không đi được. Lúc con và Hách Bình cưới, sinh con, nhà bên ấy đều đến mừng. Mình không thể thất lễ như vậy.”

Cô ấy gắt lên:

 “Không đi là không đi! Bà cứ gửi 500 tệ làm tiền mừng là được rồi. Dù sao thì cũng là cháu bà, cháu bà thì bà tự lo liệu đi!”

Không nói xuôi được Linh Tuyết, tôi đành quay sang bàn với ông Hách Quý.

Cuối cùng, Hách Quý phải xin nghỉ một ngày ở nhà trông cháu, kiêm luôn việc đưa đón cháu lớn đi học.

Sáng hôm sau, tôi vội vã từ quê trở về.

Vừa bước vào cửa, nhà đã loạn cả lên: người lớn cãi nhau, trẻ con khóc nức nở.

Hách Bình và Hách Quý hôm đó đều không đi làm.

Linh Tuyết thấy tôi về, lập tức nổi giận, chỉ thẳng vào tôi mà mắng:

“Trên đời này có ai làm ông bà như mấy người không! Đúng là ích kỷ!”

“Cái mâm cỗ đó ngon lắm sao? Vì một bữa tiệc mà bỏ mặc cháu ruột, trên đời này chắc chỉ có nhà họ Hách các người như thế thôi!”

Tôi hoang mang tột độ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra:

 “Có chuyện gì vậy con?”

Con trai tôi, vẻ mặt đầy khó xử, nói:

 “Mẹ về quê ăn tiệc, bố ở nhà trông hai đứa nhỏ. Mà bố chẳng nấu cơm, để Đại Bảo ăn mì gói, Nhị Bảo thì pha sữa uống. Quần áo thì chất đống không giặt, chẳng làm được việc gì cả.”

Linh Tuyết tức giận đến mức ném cả đĩa hoa quả trên bàn trà xuống đất:

“Tôi sống không nổi nữa rồi! Có ai thấy ông bà nào ham ăn lười làm như thế này không?!”

“Vì một bữa tiệc mà cũng bỏ mặc cháu ruột, đúng là chết vì cái miệng thì có!”

“Giờ mấy người đối xử với tôi như thế này, tôi không tin sau này mấy người không già!”