13

Hai ngày sau, tôi khoác lên vai chiếc ba lô đơn giản, mang theo ước mơ và hy vọng, bước lên chuyến tàu đến thủ đô để bắt đầu hành trình học tập.

Tàu hỏa xanh cũ kỹ lắc lư, phát ra những tiếng “cạch cạch” quen thuộc, chở theo bao mong đợi của tôi chầm chậm lăn bánh.

Chẳng mấy chốc, tôi đã thân thiết với các bạn cùng phòng đến từ khắp mọi miền.

Là sinh viên ngành báo chí, mỗi ngày tôi đều thức dậy trong tiếng phát thanh vang vọng khắp ký túc xá.

Tôi buộc hai bím tóc gọn gàng, ôm sách vở chạy vội đến giảng đường.

Trong mỗi tiết học, tôi đều chăm chú ghi chép, khát khao tiếp thu từng kiến thức mới.

Thỉnh thoảng, chúng tôi tụ tập, cùng nhau thảo luận những điều vừa học được hoặc mơ mộng về tương lai phía trước.

Cuối tuần, tôi lang thang khám phá những con hẻm nhỏ ở thủ đô,

Lắng nghe hơi thở giao thoa giữa nét cổ kính và nhịp sống hiện đại.

Mỗi bước chân tôi đều cẩn thận, như sợ làm kinh động đến giấc mơ của thành phố này.

Rồi lại háo hức cất giữ những kỷ niệm mới mẻ ấy vào lòng.

Nửa năm sau, trong một bức thư từ cô bạn thân, tôi biết tin Cố Thừa Nghiệp và Tôn Tĩnh Di đã kết hôn.

Thực ra, ban đầu nhà họ Tôn không hề ưng ý chàng rể này, vẫn luôn mong muốn Tôn Tĩnh Di có thể kết hôn với một người xứng tầm hơn.

Nhưng nói theo cách hiện đại, Tôn Tĩnh Di đúng chuẩn “não yêu đương”.

Cô ta lén lút cùng Cố Thừa Nghiệp ăn cơm trước kẻng, bụng đã có em bé.

Nhà họ Tôn dù không muốn cũng chẳng thể ngăn cản được nữa.

Cuối cùng, họ chỉ có thể nhanh chóng tổ chức đám cưới trước khi bụng cô ta lộ rõ.

Bạn tôi có lẽ sợ tôi buồn, nên cẩn thận lựa lời để an ủi trong thư.

Nhưng tôi chẳng hề bận tâm đến chuyện kết hôn của Cố Thừa Nghiệp.

Chỉ cảm thấy… buồn cười.

Kiếp trước, Cố Thừa Nghiệp trách tôi, con gái cũng trách tôi.

Bọn họ cho rằng, tất cả đều do tôi mà người phụ nữ quê mùa kia phải mang theo cốt nhục nhà họ Cố chịu khổ suốt bao năm trời.

Nhưng kiếp này, tôi đã chủ động rời đi.

Vậy mà anh ta vẫn phụ bạc Liêu Tú Mai.

Chỉ có thể nói rằng, bất kể trong hoàn cảnh nào, Cố Thừa Nghiệp cũng mãi là một gã tồi.

14

Năm ba đại học, khoa Báo chí tổ chức cho sinh viên một chuyến đi thực tế về nông thôn.

Đội sinh viên gồm cả phóng viên viết và phóng viên ảnh, nhiệm vụ của chúng tôi là dành hai tuần để ghi chép toàn diện về diện mạo vùng quê.

Trước khi xuất phát, tôi tìm hiểu tư liệu về ngôi làng mình sắp đến.

Lúc ấy tôi mới chợt nhớ ra—đây chính là nơi Cố Thừa Nghiệp từng lên núi lao động trong thời kỳ đi về nông thôn.

Đặt chân đến ngôi làng, chúng tôi theo lịch trình đã định, khám phá từng góc nhỏ: quan sát môi trường tự nhiên, cảnh quan, cơ sở hạ tầng, ghi lại mọi thứ bằng ngòi bút và ống kính.

Trong một lần trò chuyện với người dân, tôi bất ngờ gặp lại Liêu Tú Mai.

Hôm ấy, cô ấy ngồi dưới gốc cây hoè già ở đầu làng, lặng lẽ dõi mắt về con đường dẫn vào thôn.

Bộ quần áo cũ kỹ không che nổi dấu vết thời gian khắc trên người cô.

Đôi bàn tay thô ráp, chai sạn vì lao động, gương mặt hằn rõ nỗi khắc khổ của cuộc đời.

Bên cạnh cô, một cậu bé tầm ba, bốn tuổi đang chơi đùa quanh chân mẹ.

Không khóc, không quấy, chỉ lặng lẽ tự chơi một mình.

 

Đã cuối tháng Mười Một, miền Bắc lạnh cắt da cắt thịt, tôi cũng đã khoác lên mình áo bông dày.

Vậy mà đứa trẻ kia vẫn chỉ mặc một chiếc quần thủng đáy, để lộ hai bên mông tím tái vì lạnh.

Vị cán bộ thôn đi cùng tôi khẽ thở dài, thấp giọng nói:

“Cô ấy từng là hoa khôi của làng mình, nhưng bị một tên thanh niên trí thức bỏ rơi.”

“Mỗi ngày đều bồng con ra đầu làng ngóng đợi, mong người đàn ông đó đón hai mẹ con lên thành phố.”

“Nếu hắn muốn đến, đã đến từ lâu rồi. Ai lại để cô ấy đợi đến tận bây giờ…”

Liêu Tú Mai cũng nằm trong danh sách những người chúng tôi cần phỏng vấn.

Dưới sự dẫn đường của cán bộ thôn, tôi theo chân ông đến căn nhà đất xiêu vẹo của cô.

Những vết nứt chằng chịt trên tường đất, như đang giễu cợt sự si tình khờ dại của cô suốt bao năm qua.

Chiếc áo trên người cô, chằng chịt những mảnh vá, chẳng khác nào giấc mơ đã vỡ vụn của cô.

Liêu Tú Mai niềm nở mời chúng tôi ngồi xuống.

Đôi tay đầy vết nứt và chai sạn cầm lấy ấm trà, run rẩy rót vào những chiếc chén sứt mẻ.

Cán bộ thôn kể, sau khi đám thanh niên trí thức hồi hương, cha mẹ cô cũng lần lượt qua đời.

Anh chị em trong nhà khinh thường cô, cho rằng cô chẳng khác nào đồ chơi miễn phí cho gã đàn ông thành phố, lại còn sinh con không danh không phận, làm mất hết mặt mũi gia đình.

Thế là, họ dứt khoát cắt đứt quan hệ với cô.

Người đàn ông kia mãi không quay lại.

Không còn cách nào khác, cô đành ôm đứa trẻ đói khát trong lòng, ở lại căn nhà cũ, sống dựa vào sự giúp đỡ của bà con trong thôn.

Nhà không có đàn ông, vài mẫu ruộng cũng chỉ có thể một mình cô gánh vác.

Cái cuốc nặng nề đè lên cơ thể vốn đã gầy yếu của cô,

Khiến một cô gái còn trẻ như vậy, đã kiệt quệ vì lao lực triền miên.

Trong nhà không có lửa sưởi, cô ôm đứa trẻ, co ro trên chiếc giường đất lạnh như băng.

Vừa trả lời phỏng vấn, nước mắt cô vừa lặng lẽ lăn dài trên gò má gầy guộc.

Trước khi rời đi, cuối cùng tôi vẫn không kìm được mà hỏi:

“Chị cứ ngốc nghếch đợi anh ta như vậy sao? Chỉ vì một câu hứa hẹn, mà chị tin anh ta sẽ quay lại?”

Đôi môi Liêu Tú Mai run rẩy, giọng khàn đặc:

“Anh ấy sẽ quay lại… anh ấy đã hứa với tôi rồi…”

“Anh ấy sẽ đến đón mẹ con tôi…”

Ánh mắt cô lóe lên tia hy vọng mong manh, nhưng thứ ánh sáng ấy chỉ như ngọn đèn dầu lay lắt trong gió, bất cứ lúc nào cũng có thể vụt tắt.

15

Trên đường trở về dọc theo con đường làng, cơn giận dữ lâu nay bị kìm nén trong tôi lại dâng trào.

Mùa hè vừa rồi khi về quê, tôi đã từng tình cờ gặp lại Cố Thừa Nghiệp.

Hắn ta tóc chải bóng loáng, áo sơ mi, quần tây, giày da bóng lộn, ngồi lên chiếc xe con của gia đình giám đốc xưởng.

Nghe nói, bây giờ hắn sống trong một căn nhà lầu khang trang, ngày ngày thảnh thơi, đắc ý.

Dựa vào đâu mà một kẻ bạc tình, bỏ vợ ruồng con lại có thể nhởn nhơ sống sung sướng?

Còn đứa trẻ kia, đến cả cái ăn cái mặc cũng là một điều xa xỉ?

Tôi suy nghĩ suốt đêm.

Hôm sau, tôi lại tìm đến gốc cây hoè già ở đầu làng.

Nhìn thấy tôi, Liêu Tú Mai vui vẻ mỉm cười, vội vàng chia cho tôi mấy hạt dẻ mới thu hoạch.

Tôi kéo cô ngồi xuống tảng đá bên đường.

Nhìn vào đôi mắt đã quá quen với khổ đau ấy, tôi chậm rãi nói:

“Tôi biết Cố Thừa Nghiệp. Trước đây, tôi là vị hôn thê của hắn.”

Liêu Tú Mai ngây người nhìn tôi, như thể không thể hiểu nổi những gì tôi vừa nói.

“Hắn ta bỏ tôi để cưới thiên kim tiểu thư của giám đốc xưởng. Bây giờ ở thành phố, hắn đã có vợ có con từ lâu rồi.”

Nói xong, tôi đưa cô một mảnh giấy nhỏ.

“Trên này là địa chỉ của Cố Thừa Nghiệp ở thành phố. Nếu chị muốn đưa con lên tìm hắn, tôi có thể giúp chị.”

Liêu Tú Mai hai tay run rẩy cầm lấy tờ giấy mỏng manh ấy.

Giữ chặt đến mức mồ hôi làm nhòe cả nét mực.

Cuối cùng, cô ôm mặt bật khóc nức nở, khóc đến mức toàn thân run lên.

Như thể bao nhiêu năm uất ức, tủi nhục, đợi chờ trong vô vọng—

Giờ phút này mới thực sự bùng nổ.

16

Vài ngày sau, tôi xin phép nghỉ học, cùng Liêu Tú Mai và cậu bé Cố Chiêu lên thành phố tìm Cố Thừa Nghiệp.

Cuối cùng, chúng tôi cũng đứng trước cửa nhà hắn.

Cánh cửa mở ra.

Cố Thừa Nghiệp xuất hiện, bên cạnh là vợ hắn—Tôn Tĩnh Di, cùng một bé gái xinh xắn như búp bê sứ.

Liêu Tú Mai khựng lại, cả thế giới trước mắt cô chao đảo, quay cuồng.

“Cố Thừa Nghiệp… anh…” Cô run rẩy, giọng nói nhỏ đến mức gần như không nghe thấy.

Cố Thừa Nghiệp sững sờ trong giây lát, thoáng có chút hoảng loạn, nhưng ngay sau đó, nét mặt hắn nhanh chóng chuyển thành chán ghét.

“Là cô! Cô tìm đến đây bằng cách nào?”

“Cô ta là ai vậy, Thừa Nghiệp?” Tôn Tĩnh Di nghi hoặc nhìn sang.

“À… không ai cả.”

Cố Thừa Nghiệp nặn ra một nụ cười gượng gạo, thản nhiên nói:

“Một người dân ở vùng quê tôi từng đến lao động thôi.”

“Dân làng? Những năm qua tôi vì anh mà chịu đủ mọi khổ sở, một mình nuôi con, từng ngày mong ngóng anh quay lại đón mẹ con tôi. Còn anh thì sao? Sống sung sướng ở đây, còn có cả vợ con rồi!”

Nước mắt lấp lánh trong hốc mắt, nhưng cô gắng gượng không để chúng rơi xuống.

Cả người run lên vì phẫn nộ.

“Cô… cô đừng có nói bậy! Sau khi trở về thành phố, tôi đã quyết định bắt đầu cuộc sống mới. Đừng đến làm phiền tôi nữa!”

“Chuyện gì đây, Cố Thừa Nghiệp?”

Sắc mặt Tôn Tĩnh Di lập tức biến đổi, giọng điệu sắc bén:

“Anh nói rõ ràng cho tôi! Cô ta là ai? Đứa bé này là của ai?”

Cố Thừa Nghiệp vội vàng thanh minh:

“Em đừng hiểu lầm, Tĩnh Di! Đứa trẻ này không liên quan gì đến anh cả! Cô ta là một góa phụ, từ mấy năm trước đã bám lấy anh, không biết bằng cách nào lại mò tới đây.”

Tôi sững sờ, không thể tin nổi những gì vừa nghe thấy.

Hắn ta lại có thể trắng trợn nói dối như vậy, thậm chí còn dựng chuyện mình đã chết?!

“Cố Thừa Nghiệp! Sao anh có thể nói ra những lời này?!”

“Đây chính là con anh! Anh để lại một câu rồi bỏ mặc mẹ con tôi, anh có biết bao năm qua tôi đã sống thế nào không?!”

Liêu Tú Mai run rẩy, cả cơ thể như sắp sụp đổ.

Những tủi nhục, cay đắng, căm hận mà cô chôn giấu bao năm—

Giờ đây, hoàn toàn bùng nổ.

“Đó là do cô ngu ngốc thôi! Những lời đó lúc ấy chỉ là dỗ dành cô, sao cô có thể tin là thật?”

“Đừng ngây thơ nữa. Tôi đã có cuộc sống mới rồi.”

“Chuyện giữa chúng ta khi xưa, đều là cô tình tôi nguyện, pháp luật chẳng bảo vệ gì hết.”

Cố Thừa Nghiệp thản nhiên nói, nắm lấy tay Tôn Tĩnh Di, định rời đi.

Nhưng Tôn Tĩnh Di đột ngột hất tay hắn ra, gương mặt tràn đầy sự kinh hoàng và giận dữ.

“Cố Thừa Nghiệp, anh phải nói rõ ràng ngay bây giờ! Rốt cuộc chuyện này là thế nào?!”

Cố Thừa Nghiệp bắt đầu cáu kỉnh, ánh mắt nhìn về phía Liêu Tú Mai đầy khinh thường và chán ghét.

“Chẳng qua chỉ là một phụ nữ quê mùa thôi.”

“Đúng là hồi đó khi về nông thôn, tôi có qua lại với cô ta một thời gian, cũng từng có quan hệ vợ chồng.”

“Nhưng mà loại chuyện này, trong hoàn cảnh đặc biệt lúc đó, chẳng phải rất phổ biến sao?”

Khi ấy, theo chính sách nhà nước, thanh niên trí thức nếu còn độc thân thì có thể về thành phố,

Nhưng nếu đã kết hôn, thì không còn tư cách hồi hương.

Ở nông thôn, hệ thống đăng ký kết hôn còn lỏng lẻo, nhiều thanh niên trí thức vì muốn quay về thành phố, vì tiền đồ của bản thân, mà sẵn sàng ruồng bỏ vợ con.

Cố Thừa Nghiệp chính là một trong số đó.

BỐP!

Một cái tát dáng xuống mặt hắn, mạnh mẽ, dứt khoát.

Tôn Tĩnh Di giận dữ nhìn chồng, đôi mắt đỏ ngầu vì sốc và căm hận.

“Cố Thừa Nghiệp! Anh là một kẻ lừa đảo!”

Cô không thể ngờ được rằng, người đàn ông đầu gối tay ấp với mình, hóa ra lại là một kẻ hèn hạ, bạc tình đến thế!

Không để Cố Thừa Nghiệp có cơ hội giải thích, cô bế con gái lên, xoay người bỏ đi.

Mặc cho hắn vội vã níu kéo, cuống quýt cầu xin, cô vẫn không hề quay đầu lại.

Trước khi rời đi, cô ném về phía hắn một ánh mắt đầy căm hờn, rồi lạnh lùng buông một câu tàn nhẫn:

“Lập tức cút ra khỏi nhà tôi! Tôi muốn ly hôn!”