Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, bạn trai đưa tôi về nhà để bàn chuyện đính hôn.
Chị dâu anh ấy vừa nghe nhà tôi đòi sính lễ tám vạn tám, lập tức sầm mặt:
“Tại sao cưới tôi chỉ sáu vạn sáu, mà cưới cô ta lại phải tám vạn tám? Quá thiên vị rồi còn gì!”
Mẹ chồng tương lai, người lúc nãy còn ngọt ngào gọi tôi là “con gái”, bỗng quay ngoắt thái độ:
“Cô học đại học rồi học thạc sĩ bao nhiêu năm, chẳng phải đều là do con trai tôi nuôi à? Sao còn dám đòi tiền?”
Tôi ngơ ngác nhìn sang bạn trai, anh ấy lại trừng mắt với tôi:
“Chẳng lẽ không đúng à?”
Xem ra, đám cưới này chắc không thành rồi.
1
Tôi và Phương Văn yêu nhau đã mười năm.
Sau khi tôi lấy bằng tiến sĩ, anh ấy đưa tôi về nhà để bàn chuyện đính hôn.
Vừa bước vào cửa, tôi có thể cảm nhận được gia đình anh rất coi trọng tôi.
Nhà cửa được dọn dẹp gọn gàng, trên bàn đã bày sẵn một mâm cơm thịnh soạn.
Dì (mẹ anh ấy) cũng nhiệt tình y như trên WeChat, nắm tay tôi hỏi han liên tục, sự quý mến thể hiện rõ ràng trên nét mặt.
Chú (bố anh ấy) tuy ít nói, nhưng luôn nở nụ cười hiền lành.
Chỉ có chị dâu của anh ấy, từ lúc tôi bước vào đã tỏa ra một cảm giác khó chịu khó hiểu.
Ánh mắt dò xét chẳng hề che giấu, vừa khinh khỉnh lại vừa ghen tỵ.
Nhưng vì dì quá nhiệt tình, tôi cũng không để tâm lắm đến cảm xúc khó chịu ấy.
Sau bữa ăn, tôi chủ động đề nghị rửa bát, cũng muốn xem cách gia đình họ tiếp đãi khách ra sao.
Dì vội kéo tôi ra khỏi bếp, bảo để bà rửa, không cho tôi đụng tay vào.
Bảo tôi ngồi xem tivi với bạn trai, anh trai và chị dâu anh ấy.
Chị dâu – người từ nãy đến giờ gần như chẳng nói gì với tôi – đột nhiên cất tiếng hỏi:
“Nhà cô bán con gái bao nhiêu tiền vậy?”
Từ nhỏ đến giờ tôi chưa từng gặp ai thù địch rõ ràng đến thế, nhất thời sững người.
Phương Văn hạ giọng: “Chị, chị nói cái gì thế!”
Rồi quay sang tôi, cố gắng giải vây:
“Chị anh nói chuyện hơi thẳng, em đừng để bụng. Ý chị chỉ là muốn hỏi nhà mình đòi sính lễ bao nhiêu.”
Chị dâu vẫn nhỏ giọng lầm bầm:
“Thì cũng là bán con gái thôi, tôi nói sai chỗ nào?”
Phương Văn từng nói, chị dâu chỉ học hết cấp hai, nên đôi khi suy nghĩ cũng hơi khác người.
Tôi cố nén cảm giác khó chịu, quay sang nói với Phương Văn:
“Ba mẹ em cũng đâu có đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần mang tính tượng trưng là tám vạn tám thôi.”
Thật ra tôi với Phương Văn đều là người cùng vùng.
Ở quê tôi, sính lễ thường là mười sáu vạn sáu, thậm chí còn cao hơn.
Nếu sính lễ không cao thì bắt buộc điều kiện vật chất phải tốt — có nhà, có xe.
Ngay từ đầu, ba mẹ tôi đã không đồng ý cho tôi quen Phương Văn.
Họ nghĩ trình độ học vấn của anh ấy chỉ là cấp ba, tư duy và cách sống sẽ không hợp với tôi.
Nhưng vì chúng tôi yêu nhau suốt mười năm, ba mẹ cũng dần mềm lòng.
Họ thấy anh ấy chăm sóc tôi rất chu đáo, nên mới chấp nhận cuộc hôn nhân này.
Còn dặn tôi rằng, gia đình bên đó điều kiện kinh tế không tốt, sính lễ chỉ cần tượng trưng là được rồi.
Chỉ cần sau này đối xử tốt với tôi là đủ.
Tôi còn định nói thêm chuyện ba mẹ sẽ cho tôi hai mươi vạn tiền hồi môn.
Ai ngờ chị dâu ngồi bên lại lập tức sầm mặt:
“Cô cũng ba mươi tuổi rồi, còn dám đòi tám vạn tám à?”
“Cô tưởng mình học được cái bằng tiến sĩ là cái dưới của cô dát vàng chắc?”
Nói xong, chị ta quay sang hét vào trong bếp:
“Mẹ, tại sao cưới con thì chỉ sáu vạn sáu, còn cưới cô ta lại phải tám vạn tám? Mẹ thiên vị quá rồi đấy!”
Nghe đến đây, lòng tôi chợt lạnh đi.
Tôi nhớ lại chuyện năm xưa Phương Văn thi trượt đại học, tôi đã khuyên anh đi học lại nhưng anh không chịu.
Sau này tôi mới biết, lúc đó chị dâu đã mang thai, ép gia đình tổ chức đám cưới ngay với sính lễ sáu vạn sáu.
Nếu không cưới, chị ta dọa sẽ kiện anh trai Phương Văn tội c-ư-ỡ-n-g h-i-ế/p.
Gia cảnh nhà anh rất khó khăn, sáu vạn sáu lúc đó là vay mượn từ khắp nơi mà có.
Huống chi chuyện đó cũng đã là chuyện mười năm trước.
Còn ba mẹ tôi đã chuẩn bị cho tôi hai mươi vạn hồi môn, tôi thấy đòi tám vạn tám sính lễ là hoàn toàn hợp lý.
Vậy mà mẹ chồng lại từ trong bếp lao ra, lập tức trở mặt:
“Con trai tôi nuôi cô học từ đại học đến tiến sĩ, cô còn mặt mũi nào đòi sính lễ?”
2
Thái độ thay đổi quá nhanh, khiến tôi khó mà chấp nhận được.
Tôi quay sang nhìn Phương Văn.
Đúng là khi tôi học đại học, gia đình tôi có chút khó khăn thật.
Phương Văn từng nói với tôi: “Em đừng lo, cứ yên tâm học đại học.”
Anh ấy từng nói sẽ nuôi tôi học hết đại học.
Tháng đầu tiên đi làm, anh đã chuyển cho tôi 3.000 tệ.
Sau này tôi mới biết, tháng đó tổng lương của anh chỉ có 3.500 tệ.
Dù ba mẹ tôi lúc đó đã xoay sở vay tiền gửi lên cho tôi, tôi vẫn chuyển lại 3.000 tệ đó cho anh.
Nhưng hành động của anh vẫn luôn khiến tôi cảm động suốt một thời gian dài.
Sau đó, gia đình tôi cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn, hoàn toàn đủ khả năng lo tiền học và sinh hoạt cho tôi.
Hơn nữa, tôi học giỏi, năm nào cũng giành được học bổng các loại.
Thế nên, suốt những năm yêu nhau với Phương Văn, tôi rất ít khi tiêu tiền của anh.
Ngược lại, anh thường than rằng mẹ anh bảo anh chuyển hết lương về nhà để tiết kiệm, nên trong người chẳng còn bao nhiêu, nhiều lúc tôi còn phải giúp đỡ lại anh.
Vậy mà đến miệng dì lại thành “anh ấy nuôi tôi ăn học”?
Phương Văn kéo tôi ra một góc:
“Duệ Duệ, chẳng phải chúng ta đang bàn chuyện đính hôn sao? Em nói với ba mẹ giảm bớt sính lễ một chút được không?”
“Hồi đó chị dâu cũng chỉ có sáu vạn sáu, giờ em đòi tám vạn tám, chị ấy chắc chắn không vui đâu.”
“Em cũng biết gia đình anh khó khăn, ba mẹ anh cũng cực khổ lắm, em đừng làm khó họ nữa.”
Tôi nhìn người đã bên tôi suốt mười năm… Bây giờ vấn đề là sính lễ à?
Rõ ràng là mẹ anh nói tôi ăn học bằng tiền của anh cơ mà!
Vả lại, gia đình họ khó khăn cũng đâu phải lỗi của tôi!
Trong lòng tôi trào lên vô số cảm giác không vui, nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh để nói rõ ràng với anh.
“Phương Văn, chuyện sính lễ để sau hãy nói, trước tiên anh nên nói rõ với dì rằng anh không hề nuôi em ăn học.”
“Em không muốn dì hiểu lầm em là loại người…”
Tôi còn chưa kịp nói hết câu, thì bị Phương Văn lớn tiếng cắt ngang:
“Ý em là gì? Chẳng lẽ không phải anh đã nuôi em học đại học à?”
“Hồi đó nhà em không có tiền, tháng đầu tiên đi làm anh đã chuyển cho em ba ngàn, giờ em học xong rồi liền phủi sạch mọi chuyện?”
Ánh mắt anh đầy vẻ khinh thường, lạnh lùng cười:
“Quả nhiên người ta nói không sai, càng học cao càng vô tình!”
3
Tôi sững người.
Sao Phương Văn lại có thể nghĩ như vậy?
Giọng anh càng lúc càng to, khiến cả nhà kéo đến vây quanh tôi.
Bề ngoài thì có vẻ như đang nói chuyện đàng hoàng với tôi,
Nhưng thực tế là ai cũng chen vào một câu, tôi hoàn toàn không chen nổi một lời.
Cảm giác như đang bị xét xử giữa ba mặt một lời.
“Duệ Duệ à, sao con gái nhỏ như con lại không có chút lương tâm vậy? Từ khi con vào đại học, nhà bác Phương Văn đã nhịn ăn nhịn mặc để nuôi con học hành, giờ con lại không chịu thừa nhận sao?”
“Con xem con học bao nhiêu năm, thì Phương Văn cũng phải đi làm bấy nhiêu năm, cũng vì lo cho con mà mấy năm nay chẳng để dành được đồng nào. Làm người đừng vô ơn như thế chứ!”
“Duệ Duệ, bác biết con học cao, nhà con cũng chẳng ưa gì nhà bác Phương Văn, đòi sính lễ cao để gây áp lực, muốn để nó tự rút lui.”
“Nhưng nhà bác không giống nhà con, nhà bác không thực dụng như vậy. Hai đứa yêu nhau bao nhiêu năm rồi, bác không nỡ chia cắt đôi trẻ đâu.”
“Chẳng phải là tám vạn tám sao, cho dù có phải bán nhà gõ nồi đi vay mượn, nhà bác cũng sẽ lo đủ!”
“Nhưng tuy nhà bác nghèo, cũng có khí phách riêng. Bác có thể cho tám vạn tám sính lễ, nhưng con cũng đã ba mươi tuổi rồi, ai biết còn sinh con được không.”
“Thế này đi, con với Phương Văn cứ chuẩn bị có con trước đi. Nếu con có thai, nhà bác lập tức đưa tám vạn tám. Còn nếu không… nhà bác cũng không thể cưới một con gà không biết đẻ, con thấy đúng không?”
“Vậy là quyết định rồi nhé. Con cũng đừng về nữa, cứ ở lại nhà bác chuẩn bị có thai với Phương Văn cho xong.”
“À đúng rồi, nó bảo con học nhiều quá thành đần, việc nhà cũng không biết làm, bác sẽ dạy cho con.”
“Sau này cưới rồi cũng phải biết chăm sóc Phương Văn chứ!”
Tôi như rơi vào một cái chợ trời, bị định giá công khai trước mặt mọi người.